Thời ấy, ở xóm Sa Khê, số người biết chữ Hán cũng tương đối nhiều, chẳng hạn như các ông Tân, Chương, Dưng, Lê Hồng Thị, Đàm Mân. Còn với chữ Quốc ngữ, chỉ có ông Phạm Dương đã học xong lớp 3 nên biết. Trước tình hình đó, bà con xóm Sa Khê bàn nhau mở lớp bình dân học vụ và giao cho ông Phạm Dương đứng lớp dạy vào buổi trưa hàng ngày.

Xóa mù chữ ở xóm

Lớp bình dân học vụ xóm Sa Khê mở tại nhà thờ tộc Lê, có khoảng 30 người, từ già đến thiếu nhi. Bảng đen được làm từ chiếc nong cũ, phấn bằng gạch non. Học sinh ngồi dưới nền nhà. Vậy mà, chỉ trong vòng 30 ngày, mọi người trong xóm đã biết viết, biết đọc; 3 tháng sau đã biết làm các phép toán cộng trừ đơn giản. Đặc biệt, đến ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào tháng 1.1946, nhân dân Sa Khê từ 18 tuổi trở lên hăng hái đi bầu cử và ai cũng có thể tự viết được vào lá phiếu đầu tiên những cái tên của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Có thể nói, công lao này thuộc về ông Phạm Dương - người đã có công giúp nhân dân Sa Khê xóa mù chữ trong thời buổi chiến tranh thiếu thốn trăm bề.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”, Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Điện Bàn lúc bấy giờ đề ra khẩu hiệu “Tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Nhân dân Sa Khê tiến hành khai hoang vỡ hóa, lấn sông Hà Sấu tăng gia sản xuất lúa gạo để đảm bảo cái ăn hàng ngày, vừa tham gia nuôi cán bộ, du kích nằm vùng.

Thành lập Nông đoàn tập thể

Trong tăng gia sản xuất, nhân dân khắp nơi thực hiện mô hình “Tổ vòng công” giúp nhau khai hoang vỡ hóa, riêng xóm Sa Khê dưới sự lãnh đạo của Đảng và giúp đỡ của cán bộ cách mạng đã bỏ qua “Tổ vòng công” mà tiến thẳng lên thành lập Nông đoàn tập thể. Thành viên của Nông đoàn tự nguyện đóng góp ruộng đất, nông cụ làm cơ sở ban đầu, rồi góp khế ước ruộng đất để đi vay tiền tại Ngân khố tỉnh làm vốn sản xuất; tiến hành thành lập Ban quản trị gồm có các ông Phạm Xuân - Trưởng ban, Bí thư Chi bộ Lê Hồng Thị - Phó ban, ông Văn Thơ - Thư ký kiêm thủ quỹ, ông Văn Nho - Trưởng ban Kiểm soát. Số lao động trong xóm được Ban quản trị Nông đoàn tập thể tổ chức thành 3 đội trực thuộc. Việc bình công chấm điểm ngay tại đầu bờ đất ruộng. Sau mỗi ngày lao động được bình công chấm điểm cho từng người do thư ký đội ghi chép. Sau mỗi tháng được công bố công khai. Sau mỗi mùa vụ, Ban quản trị Nông đoàn tập thể tiến hành việc phân chia hoa lợi theo số điểm bình bầu A, B, C cho ngày công của từng lao động sau khi đã trừ chi phí và tỷ lệ dành để làm nghĩa vụ thuế cũng như số tích lũy theo từng loại hoa màu. Ví dụ, đối với lúa, công A: 15kg, B: 12kg, C: 10kg; khoai cũng theo thứ tự là: 300kg - 280kg - 160kg; đậu: 18kg - 16kg - 15kg; tiền: 200 đồng - 180 đồng - 140 đồng. Ban quản trị Nông đoàn tập thể cũng được bình bầu công theo lao động như trên và theo vụ. Phần tích lũy 15% do thủ quỹ, thủ kho quản lý, đến cuối năm công khai rộng rãi trước tập thể.

Vay vốn sản xuất

Ở Sa Khê phần lớn là đất cồn, đất thổ, ruộng gieo cấy lúa rất ít. Ông bà ta có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”; nhưng ở đây, công cán và giống má thì Nông đoàn tập thể lo được, chứ hai thứ nước và phân thì quả thật vô cùng khó khăn. Nước thì đành phải phụ thuộc vào trời, còn phân thì phải có đàn trâu, bò, heo, nhưng địch càn quét liên miên, cướp hết trâu, bò, heo, ngay cả gà, vịt cũng không còn. Để có phân bón cho đồng ruộng, Tổ đảng Sa Khê và Ban quản trị Nông đoàn tập thể đề ra 2 giải pháp: Một, Nông đoàn tập thể quản lý nguồn rong ở khe ngoài, còn ở khe trong thì mua tre làm hàng rào ven sông Hà Sấu để giữ rong; mỗi năm, chỉ cần một vụ thu hoạch cũng đã vớt được hàng tấn rong làm phân bón hoa màu. Hai, đem toàn bộ trích lục của các hộ trong nông đoàn làm đơn và có sự chứng nhận của Ủy ban Kháng chiến xã, huyện, rồi đem thế chấp cho Ngân khố tỉnh vay tiền (tín phiếu) để mua phân bón.

Việc liên hệ vay vốn ở Ngân khố tỉnh được giao cho ông Lê Hồng Thị đảm nhiệm. Ông Thị mang khế ước, trích lục và đơn xin vay vốn vào Ngân khố tỉnh, lúc này đóng tại huyện Tiên Phước vay 5 triệu đồng tiền tín phiếu, đóng thành 5 bao tải, chung quanh hóa trang bằng chè khô chuyển về. Đến chợ Được, ông Thị vào trú tại nhà chị Lê Thị Thử, gửi 5 “bao chè” rồi đi đọ giá mua bánh dầu, cũng là chờ đoàn ghe của các ông Lê Văn Lễ, Lê Văn Nhạc, Ất Hựu, Nuôi… từ Điện Dương vào chợ Được mua chè, cau, quế. Nhờ sự giúp sức của những người trong đoàn ghe, hàng tấn bánh dầu và số tiền còn dư 3 triệu đồng được chuyển về bến miễu Long Vương an toàn, bàn giao cho Ban Quản trị. Bánh dầu thì đem bón phân, số tiền 3 triệu đồng được Nông đoàn tập thể phân công người xuống Cẩm Châu, Cẩm Thanh (Hội An) và một số xã vùng trên của Điện Bàn mua đậu phụng về ép dầu. Hai chiếc bộng ép dầu của ông Mại được chuyển xuống hàng me trước miễu Long Vương xây dựng xưởng ép dầu cho Nông đoàn tập thể. Số lượng bánh dầu sản xuất được đem bón phân cho cây trồng, còn dầu phụng bán cho lái buôn để thu hồi vốn và lấy lãi chi phí bồi dưỡng cho lao động và tích lũy. Nhờ vậy, đoàn viên Nông đoàn tập thể có thu nhập khá hơn, cuộc sống ổn định hơn, phấn khởi, đoàn kết nhau hơn.

Cuối năm 1953, xóm Sa Khê tiễn 6 thanh niên trong Nông đoàn tập thể gia nhập quân đội, gồm các ông Phạm Bá, Phạm Được, Lê Hồng Thị, Phạm Mua, Lê Hồng Tiến và Phạm Khiết.

Kết thúc kháng chiến 9 năm

Ngày 8.1.1954, địch mở các cuộc càn quét với quy mô lớn, nhiều nhà dân trong xóm Sa Khê bị đốt, cơ sở sản xuất bị tàn phá, kho dự trữ lúa giống, lúa để nộp thuế, đậu xanh, đậu đen chứa tại nhà thờ tộc Phạm cũng bị giặc cướp sạch. Tháng 3.1954, quân ta tiêu diệt địch ở cồn Hinh. Nhân dân Sa Khê huy động lực lượng thanh niên xông vào đồn chuyển vũ khí, đạn dược về chôn giấu an toàn.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Điện Dương và các địa phương vùng cát của Điện Bàn không còn đồn bót địch. Quê hương sạch bóng quân thù, chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy hy sinh và gian khổ, trong đó có công lao đóng góp không nhỏ của quân và dân xóm Sa Khê, cũng như làng Hà My, xã Điện Dương bấy giờ.

 

Hết

(Theo baoquangnam.vn)

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP