Quê tôi vốn là miền đất Ngũ Hành Sơn địa linh nhân kiệt, miền đất của tâm linh, của những câu chuyện huyền thoại, nơi có sông, có núi, có biển. Đường về Ngũ Hành Sơn hôm nay là những con đường nhựa trải dài, ngang dọc, là những ngôi nhà cao tầng, vững chãi, những khu du lịch đẳng cấp, những ngôi trường khang trang.
Thi thoảng, tôi vẫn hay mường tượng, không biết cảnh sắc quê mình trước kia thế nào, có giống những vùng quê mà tôi được xem qua phim ảnh, qua sách báo? Có đẹp và nên thơ không? Cuộc sống của người dân quê mình ngày trước thế nào? Và trong những câu chuyện của mẹ, của cha, của những người thế hệ đi trước, quê tôi dần hiện lên trong tâm trí tôi.
Không như tôi nghĩ, trong những câu chuyện ấy, quê tôi hiện lên là một miền quê đầy gian khó. Tôi vẫn nhớ câu chuyện một người chú bên cạnh nhà hay kể, đó là cuộc sống của những người dân làng chài.
Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá thành phố Đà Nẵng của du khách trong và ngoài nước. ẢNH: MINH TRÍ
Ngày ấy, người dân miền biển sống trong những ngôi nhà tạm bợ, những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, đường sá chẳng nên hình nên dạng, chỉ là những con đường đầy cát trắng, nóng đến bỏng chân, là những hàng dương xỉ nằm khô khốc, trơ trọi dưới cái nắng oi ả của ngày hè, xen lẫn là những ngôi mộ hắt hiu. Phía xa là bờ biển trải dài như vô tận, ngút ngàn tầm mắt….
Thế rồi theo chủ trương của thành phố, cuộc sống của người dân của những vùng quê ấy bỗng chốc thay đổi. Người đi nhận đất tái định cư ở nơi khác thì cuộc sống đã khấm khá hơn, ổn định hơn, như người chú hàng xóm của tôi. Những người ở lại thì thực sự đổi đời.
Những câu chuyện đơn giản theo kiểu “trà dư tửu hậu” như thế thôi, nhưng đã giúp tôi mường tượng ra rất nhiều điều, quan trọng nhất, đó chính là những bài học đi lên từ gian khó, giúp tôi có thêm niềm tin và động lực để cống hiến, góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của địa phương.
Quê tôi bây giờ là những con đường thảm nhựa ngang dọc. Con đường Lê Văn Hiến rộng thênh thang, nối dài từ ngã tư Tiên Sơn về thẳng đến cầu Biện, rồi những con đường ngang như Minh Mạng, Nguyễn Duy Trinh, Sư Vạn Hạnh, Non Nước, Huyền Trân Công Chúa…, tạo thành những tuyến đường trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương nói riêng, thành phố nói chung.
Đặc biệt, tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa hình thành, kéo theo hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng ven biển đã tạo nên một sức sống mới, một hình dạng khác cho Ngũ Hành Sơn. Không còn những làng chài xác xơ, giờ đây là những khu du lịch đẳng cấp quốc tế. Tuyến đường này không chỉ đơn thuần là tuyến giao thông nối liền Đà Nẵng – Quảng Nam, mà đã trở thành nơi để chiều chiều người dân đi dạo mát ngắm cảnh, là nơi để những đôi uyên ương tìm đến chụp ảnh cưới, lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời.
Khu vui chơi, khu tắm biển, khu tắm nước ngọt, đường nhựa chạy thẳng đến từng bãi biển nước xanh ngút tầm mắt. ẢNH: NGUYỄN TRÌNH
Dù có rất nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển đã và đang được đầu tư, hình thành, song không vì thế mà nhu cầu vui chơi, tắm biển của người dân mất đi.
Thay vào đó là những bãi biển Non Nước, Sơn Thủy, Mỹ Khê, Tân Trà được đầu tư xứng tầm một đô thị văn minh, hiện đại với đầy đủ khu vui chơi, khu tắm biển, khu tắm nước ngọt, đường nhựa chạy thẳng đến từng bãi biển nước xanh ngút tầm mắt.
Để có được thành quả ấy là cả một quá trình gian nan. Từ chủ trương đúng đắn của thành phố đến sự đồng thuận cao trong nhân dân. Và những câu chuyện của những người đi trước, với tôi, đó là những bài học quý báu, là sợi dây liên kết giữa quá khứ với thực tại, để thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng những thành quả của những người đi trước, những người đã và đang cống hiến hết mình vì một thành phố năng động, một đô thị đáng sống.
(Theo danang.gov.vn)