Có người nói, sông Hàn chảy ngang giữa lòng thành phố Đà Nẵng như một dải lụa vắt nhẹ trên bờ vai người thiếu nữ đang xuân. Sông Hàn - dòng sông gắn liền với biết bao kỷ niệm của những lớp người Đà Nẵng, dòng sông cũng là chứng nhân của những đổi thay ở thành phố trẻ trung và đầy năng động, đang từng ngày phát triển. Sông Hàn khiến bao du khách đến với thành phố này cứ ngỡ ngàng bước đi không đành, lòng thầm ước sẽ gặp lại.

bao tang2

Cầu Rồng bắc qua sông Hàn là điểm nhấn thu hút khách du lịch của Đà Nẵng.

Vậy, tên sông Hàn có từ bao giờ, sông Hàn bắt nguồn từ đâu thì không phải ai cũng tỏ tường. Theo bài viết của tác giả Lê Văn Tất đăng trên Trang thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, tên sông Hàn bắt nguồn từ hai chữ Hàn môn trên bản đồ Thuận Hóa. 2 chữ Hàn môn có nghĩa là: Môn là cửa, chữ Hàn bộ thuỷ có nghĩa là rộng lớn, bao la mênh mông bát ngát. Vì thấy cửa biển rộng lớn, nên người xưa đặt tên “Hàn môn” tức là “Cửa Hàn”. Từ cái tên Hàn môn thường gọi cửa Hàn đi vào ổn định, thì dòng sông từ Cẩm Lệ chảy vào cửa Hàn cũng được đặt tên là Hàn Giang, thường gọi sông Hàn.

Theo tài liệu của Cục thống kê Đà Nẵng, sông ngòi của thành phố Đà Nẵng đều bắt nguồn từ phía Tây, Tây Bắc thành phố và tỉnh Quảng Nam. Hầu hết các sông ở Đà Nẵng đều ngắn và dốc. Đà Nẵng có 2 sông chính là Sông Hàn (chiều dài khoảng 204 km, tổng diện tích lưu vực khoảng 5.180km2) và sông Cu Đê (chiều dài khoảng 38 km, lưu vực khoảng 426km2). Bách khoa toàn thư mở (tiếng Việt) thì ghi nhận, Sông Hàn bắt đầu từ ngã ba sông giữa các quận: Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, là hợp lưu giữa 2 con sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện, chảy theo hướng Bắc rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng tại chỗ giáp ranh giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Sông có dòng chảy từ Nam lên Bắc. Sông Hàn có chiều dài khoảng 7,7 km, chiều rộng khoảng 400 – 600 m (chỗ rộng nhất 700 m, hẹp nhất 300 m), độ sâu trung bình 4 – 5 m.

Sau hơn 25 năm trở thành thành phố thực thuộc trung ương, Đà Nẵng đã phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, bức tranh đô thị Đà Nẵng đã lột xác mạnh mẽ. Và nhắc đến sự lột xác của đô thị Đà Nẵng, không thể thiếu sự đổi thay của cảnh quan dọc đôi bờ sông Hàn. Hàng loạt cây cầu với kiến trúc độc đáo nối liền hai bờ sông Hàn đã đặt dòng sông vào vị trí trung tâm trên bản đồ quy hoạch đô thị của thành phố. Ngày nay, sông Hàn gắn liền với 6 cây cầu bắc ngang qua sông, đặc biệt là “tứ đại mỹ cầu” bởi mỗi cây cầu đều mang một vẻ đẹp riêng có.

Nằm sát cửa biển, cầu Thuận Phước là chiếc cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Khi về đêm, cầu Thuận Phước như dải ngọc lung linh vắt ngang bầu trời. Nhìn ở mọi góc độ, cầu Thuận Phước cũng đều mang dáng vẻ sang trọng, lộng lẫy và đầy quyến rũ. Cây cầu tiếp theo là cầu Sông Hàn. Đây là cây cầu quay đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu mốc son phát triển của thành phố, và cũng là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Nằm giữa cầu sông Hàn và cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng “sinh sau đẻ muộn” nhất trong các cây cầu bắc qua sông Hàn, khánh thành vào năm 2013 với hình dáng con rồng bắc qua sông, nhưng đây dường như lại là cây cầu thu hút đông đảo người dân, du khách đến chiêm ngưỡng nhất, bởi Rồng phun lửa và phun nước vào tối thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Xa hơn một chút là cầu Trần Thị Lý mang hình cánh buồm căng gió ra biển lớn, tượng trưng cho khát vọng của thành phố, và đây cũng là cầu dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam. Ngoài “tứ đại mỹ cầu”, còn có cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi và cây cầu cuối cùng bắc ngang sông Hàn hiện nay là cầu Tiên Sơn. Có một điều cũng thú vị là nhiều người nhầm lẫn Đà Nẵng có tới 9 cây cầu, bao gồm thêm cầu Cẩm Lệ, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Hòa Xuân. Trên thực tế, 3 cây cầu này bắc trên sông Cẩm Lệ và không hề liên quan đến sông Hàn. Có thể nói, những cây cầu bắc qua sông Hàn đã làm nên biệt danh “Thành phố của những cây cầu” mà hầu như không du khách nào lại không háo hức muốn được một lần chiêm ngưỡng khi đến với thành phố Đà Nẵng, nhất là tham gia, khám phá những hoạt động thú vị bên cạnh những cây cầu này

CauRong2

Đường Bạch Đằng ven sông Hàn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi về đêm thu hút khách người dân và du khách gần xa.

Ngược dòng thời gian, soi bóng bên dòng sông Hàn, lâu đời nhất có thể nhắc đến tên chợ Hàn. Chợ Hàn nguyên gốc tên là chợ Hải Châu vì nằm trên đất làng Hải Châu. Đây cũng là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất của phố thị Đà Nẵng. Chợ Hàn được khởi công xây dựng vào năm 1900, khánh thành vào tháng giêng năm 1901. Chợ bấy giờ gồm hai dãy nhà song song, có bốn mặt tiền, trong đó 1 mặt chợ quay ra đường Trần Hưng Đạo, giáp với sông Hàn. Chợ lợp ngói, tường khá dày. Nhờ nằm ở vị trí đắc địa nên chợ Hàn mỗi năm một đông đúc. Mặc dù trải qua nhiều biến đổi của thời gian, nhưng chợ Hàn vẫn luôn nằm trong ký ức của người dân thành phố và du khách, bởi những hoạt động thương mại sầm uất nhưng vẫn không thiếu những nét xưa cũ, với những gian hàng bán trầu cau hay những gian hàng bán đặc sản của Đà Nẵng.

Sông Hàn ngày càng trở nên sôi động bởi hai con đường chạy dọc sông là đường Bạch Đằng nằm ở bờ Tây và đường Trần Hưng Đạo nằm ở bờ Đông sông Hàn đã được khoác lên mình những chiếc áo mới và không ngừng đổi thay, tô điểm thêm đẹp, thêm lộng lẫy, sang trọng bởi những dãy phố, những khu đô thị mới được mọc lên. Ở phía bờ tây sông Hàn, bên đường Bạch Đằng là những kiến trúc cổ thời Pháp vẫn còn được nhiều người chiêm ngưỡng, là cây cầu chữ T, bến du thuyền và mới đây nhất là khu vườn tượng, công viên APEC với cánh diều mềm mại trở thành điểm check in mới của người dân và du khách đến với Đà Nẵng. Bờ Đông sông Hàn, dọc đường Trần Hưng Đạo luôn tấp nập du khách. Vào ban đêm, sông Hàn càng nhộn nhịp hơn khi những chuyến tàu du lịch đưa khách xuôi ngược dòng nhìn ngắm cảnh quan hai bên đường phố, nhất là ngắm nhìn những chiếc cầu lung linh ánh đèn soi tỏ khắp mặt sông.

Trong những ngày qua, khi mọi người đón nhận ngày lễ valentine như một dịp để chia sẻ, thể hiện tình cảm mến yêu đối với người yêu, người thân và cả bạn bè, thì khu vực cầu tình yêu ở bờ Đông sông Hàn trở nên đông vui hơn mọi ngày. Cầu tình yêu khánh thành từ năm 2015, từ đó những hàng rào sắt trên cầu bắt đầu xuất hiện từng ổ khóa, do các cặp tình nhân khoá lại như những lời thề nguyện của tình yêu. Giờ đây, với hàng vạn ổ khóa móc trên hàng rào, nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng mỗi khi du khách có dịp đặt chân đến Đà Nẵng.

Với sự phát triển về du lịch, sông Hàn đang trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa lễ lội lớn nhỏ của thành phố Đà Nẵng. Trong những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức dọc hai bên bờ sông Hàn. Sông Hàn là một điểm nhấn của thành phố Đà Nẵng, tạo nên sự khác biệt độc đáo cho thành phố và góp phần phát triển du lịch Đà Nẵng. Nếu ai đã đến Đà Nẵng thì có lẽ không bao giờ quên được con sông Hàn êm đềm nằm giữa lòng thành phố.

(Theo Dangbodanang.vn)

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP