Theo các bậc cao niên, Hà My (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn) được hiểu là doi đất bên sông (hà: sông; my: doi, nổng đất). Tên làng mang “dáng sông, hình đất” ấy đã trở nên gần gũi, thân quen không chỉ là con dân làng Hà My mà của rất nhiều người khác xứ...
Lược sử
Theo gia phả tộc Nguyễn làng Hà My, năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên xứ Hà Tôm thành xã hiệu Hà My, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, trấn Quảng Nam. Theo đó, tên ấp, tên xóm của làng Hà My cũng được hình thành: xóm Trung, xóm Tây, xóm Đông, xóm Trảng Cát, Gò Nông, Sa Khê, Văn Kinh, Thăng Liên, xóm Huế, xóm Nò, xóm Lờ. Cũng từ đó, dân làng khai hoang vỡ hóa nhiều cánh đồng màu mỡ như Hà Thại, Hà Lầy, Đập Ông, Bờ Mới, Trảng Hớn, Trảng Sĩ, Trảng Thiều, kinh Thủy Kỳ, Cây Duối, Hà Chang, Bảy Rẫy, Khe Trong, Trảng Cỏ, Bồ Đề, Khúc Giá, Sông Trên. Ngoài biển ngang có Lăng Ông, bến Trên, bến Dưới. Trong sông Hà Sấu có bến Tàu xóm Hải Chữ, Cồn Đội để thuyền các nơi giao lưu buôn bán, đồng thời là nơi tránh bão của ngư dân trong mùa mưa lũ.
Tiền hiền Hà My, nơi tổ chức Đại hội lần thứ 2 của Đảng bộ xã Điện Dương tháng 4.1952.
Làng Hà My có nhiều miếu mạo, đình làng như miếu xóm Trung, xóm Tây, xóm Đông, Văn Kinh, Thăng Liên, Hải Chữ, Trảng Cát, Gò Nông, Vạn Hà My, phổ Đồng Chè, phổ Ông Thêm, miếu Ông Phú, miếu Ông Trị, miếu Phổ Long, miếu Bồ Đề, miếu xóm Sa Khê, đình làng Hà My. Đặc biệt, tại rừng Hà My có chùa Phật giáo Bửu Long Phật đường; bên bờ hữu ngạn sông Hà Sấu có miếu thờ thần Long Vương, có lăng bà thờ thần cá Sấu.
Để chống ngập mặn xâm nhập ruộng đồng, dân làng Hà My đã đắp con đập mang tên bờ Thanh niên, bờ Phụ nữ, đập Ông Sắc. Làng còn có cầu Xã Nhi, cầu Ông Điền và cầu Nghĩa Tự, có rừng dừa nước rậm rạp quanh năm che phủ. Đây cũng là nơi du kích, cán bộ ẩn nấp, hoạt động trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Lại có rừng dương liễu vi vu trong nắng gió bên bờ biển Hà My, bao bọc xóm làng ở mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió.
Nhà thờ tiên tự Hà My đã được trùng tu.
Trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, ở làng Hà My có ông Nguyễn Hữu Bành (thường gọi ông Bếp Bành) thông minh, văn võ song toàn, là người thân cận của cụ Hường Hiệu. Khi nghĩa hội tan rã, ông đã bị giặc truy sát và chém đầu ở Cây Trâm, huyện Thăng Bình.
Làng Hà My còn có nhiều người tài cao học rộng, văn hay chữ tốt. Giai thoại còn truyền như thầy Thuần, được triều đình Huế mời ra chữa bệnh cho vua; thầy Ba Phụng có thể bắt ấn qua sông; thầy Thận được mệnh danh “thần y” bốc thuốc cứu nhiều người; thầy Nghê mở trường dạy học, đào tạo nên nhiều học trò tài giỏi; thầy phó Dục văn hay chữ giỏi. Người làng Hà My có vị đô đốc Ngữ, đô đốc Tâm và nhiều người nổi tiếng một thời như xã Nhúm, xã Giêng, xã Nhạc, xã Chất...
Bia tưởng niệm vụ thảm sát tháng 2.1968 do lính Nam Triều Tiên gây ra tại xóm Tây - Hà My.
Mảnh đất kiên cường
Tại làng Hà My, chi bộ đảng được thành lập khá sớm. Năm 1948, Đại hội Đảng bộ xã Điện Dương lần thứ nhất tại nhà bà Chương. Tháng 4.1952, Đại hội lần thứ 2 của Đảng bộ xã Điện Dương tổ chức tại đình làng Hà My. Đình làng Hà My ngày ấy có cây đa, giếng nước, sân đình, có ruộng đồng bốn bề che chở, có cây sợp tán lá che phủ một khoảng trời. Bộng cây sợp rỗng ở ruột có thể chứa một tiểu đội, là vọng đài cao để quan sát theo dõi địch đi càn.
Ngày 23.10.1955, nhân dân làng Hà My tổ chức xuống Hội An cướp thùng phiếu chính quyền ngụy chống trưng cầu dân ý, lật đổ Ngô Đình Diệm. Máu và nước mắt của dân làng Hà My đã đổ xuống khắp đường phố Hội An. Giặc điên cuồng áp dụng Luật 10/1959, lập ấp chiến lược, ra tay đàn áp, khủng bố, giam cầm những người dân lành yêu nước. Biết bao người dân chịu cảnh tra tấn, tù đày...
Năm 1966, giặc Mỹ ra sức bắn phá, cày ủi, hủy diệt nhằm biến Điện Dương thành vành đai trắng, đem quân chư hầu lữ đoàn Rồng Xanh Đại Hàn đến ém quân tại Hà My. Chúng xây dựng nơi đây 2 sân bay chiến lược, ra sức tàn sát đồng bào. Năm 1968, máu xương của hàng trăm người dân vô tội đã đổ xuống. Trong một buổi sáng sớm, bọn lính Rồng Xanh Đại Hàn ra tay tàn sát 24 người dân đang đi làm nghề chài lưới ở bến Ông Đậu. Ngày 24.2.1968, chúng càn quét xóm làng, tập trung 135 người dân Hà My Tây vào nhà thờ rồi nã súng sát hại, trong đó đa số là người già, phụ nữ và trẻ em.
Qua 2 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, Hà My là một trong những làng có số liệt sĩ, thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất xã. Điển hình, xóm Tây có 64 liệt sĩ, hàng chục thương binh, 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; riêng gia đình ông Nguyễn Điểu có 11 liệt sĩ. Nhiều tấm gương tiêu biểu khác như liệt sĩ Văn Thanh Tùng, Văn Quyền, Đinh Chúng, Nguyễn Sâm… cũng từ mảnh đất này lớn lên.
Sau năm 1975, bà con làng Hà My trở về quê cha đất tổ, tháo gỡ bom mìn, khai hoang vỡ hóa, cải tạo đồng ruộng, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương trên hoang tàn đổ nát. Đến nay, diện mạo làng quê đã thay da đổi thịt. Ngày nay, ngoài nông - ngư nghiệp, nhân dân Hà My mở mang nhiều ngành nghề như thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Cùng với việc khôi phục và phát triển kinh tế, bà con các chư tôn tộc làng Hà My đã khôi phục ngôi tiên tự làng bị chiến tranh tàn phá. Buổi đầu, con cháu các tộc thu gom gạch cũ rải rác chung quanh nhà thờ xây dựng lại ngôi từ đường. Sau nhiều lần trùng tu, năm 2011, Ban đại diện Hội đồng chư tôn tộc làng Hà My đã khởi phát vận động kinh phí đóng góp của con cháu sinh sống và công tác khắp nơi trên mọi miền đất nước cũng như của các chư tôn tộc, bà con sinh sống tại xã để xây dựng nhà thờ tiên tự của làng, tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng.
Việc khôi phục, tái thiết lập ngôi từ đường Hà My làm nơi thờ tự, vọng bái 59 chư tôn tộc là việc làm đạo lý, nghĩa cử cao đẹp của con dân làng Hà My để ghi nhớ công ơn các vị tiền nhân các chư tôn tộc đã dày công vun trồng cho hôm nay cây đời đơm hoa kết trái.
Hiện nay, làng Hà My được chia thành 4 thôn gồm Hà My Đông A, Hà My Đông B, Hà My Trung và Hà My Tây. Nhân dân làng Hà My ngày xưa làm nông nghiệp, một số ít làm nghề biển. Theo gia phả tộc Nguyễn làng Hà My, khoảng năm 1480, làng có 17 vị thủy tổ tiền hiền gồm các vị: Văn Công Tiên, Nguyễn Thế Lực, Trần Văn Bản, Nguyễn Văn Minh, Phạm Văn Quang, Phạm Văn Sử, Lê Doãn Khánh, Lê Công Lương, Nguyễn Phước An, Nguyễn Văn Tài, Đỗ Văn Tri, Cao Đăng Hiếp, Trần Ngãi Núc, Nguyễn Núc, Bùi Thanh Dân, Lê Đài, Phạm Quang Huy. Các vị tiền hiền này từ Hải Dương, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An vào đây lập nghiệp.
Khoảng năm 1500, một đoàn di dân khác từ phía Bắc vào Hà My, gồm các vị: Nguyễn Văn Dưỡng, Trần Văn Có, Đinh Văn Lâu, Nguyễn Văn Lân, Trương Văn Chiến, Trần Phước Rồng, Trần Duy Đức, Phan Bá Điển, Trần Văn Tuấn, Võ Đình Thắng. Làng Hà My buổi sơ khai có tên xứ Hà Tôm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam thừa tuyên đạo.
(Theo baoquangnam.vn)