"Có một dòng sông chảy qua đời tôi, chảy qua năm tháng, chảy qua số phận những con người”…
Nhắc đến Tiên Phước, một huyện trung du của Quảng Nam, nhiều người nghĩ ngay đến một nét vẽ mềm mại, độc đáo và duyên dáng, thơ mộng: sông Tiên.
Từ TP.Tam Kỳ, theo tỉnh lộ 616, đến xã Tiên Thọ, khách sẽ cảm nhận được điều thú vị: có một dòng suối ngược qua cầu Vôi, men theo đường đi “chảy lên” địa phận Tiên Lộc. Đó là một trong vô số chi lưu của sông Tiên, con sông nổi tiếng với thủy trình rất cá tính: dòng sông chảy ngược. Và vì thế, con sông gắn liền với nhiều huyền thoại, trở thành phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tiên Phước.
Như hàng nghìn con sông trên dải đất hình chữ S này, nơi phát nguyên của sông Tiên là dãy núi Răng Cưa hùng vĩ, ranh giới của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sông Tiên là hợp lưu của hai nhánh: một nhánh đổ về từ Tam Lãnh (huyện Phú Ninh), qua thôn Quế Phương, xã Tiên Lộc mang tên Bông Miêu; nhánh còn lại từ Bắc Trà My qua, chạm đất Tiên An, gặp bến Mít Nài. Từ đây, nhánh này có tên là sông Trạm, ngang qua Tiên Cảnh, thành sông Đá Giăng. Khi gặp nhánh từ Tiên Lộc chảy ra, hợp lưu này mới có tên gọi sông Tiên.
Sông Tiên thơ mộng uốn lượn qua nhiều vùng quê, làng mạc và trập trùng đồi núi. Con sông thật mạnh mẽ và cá tính dám chảy ngược về phía tây với lô xô đá và những khúc quanh ngoằn ngoèo, những vực sâu đầy tôm cá như vực Ao, vực Tròn. Đến Tiên Kỳ, nó tạo cho nơi này một vẻ đẹp dịu dàng và nên thơ đến lạ: vẻ quyến rũ của thị trấn ven sông. Dòng sông trầm mặc in bóng những chiếc cầu mới, nối hai bờ Tiên Kỳ - Tiên Cảnh. Hữu ngạn là cửa nhà, phố xá; tả ngạn là những bờ tre xõa tóc làm duyên. Đứng trên cầu sông Tiên, ngắm những tia nắng hồng đầu tiên của buổi bình minh, nhìn về phía thượng nguồn, cứ ngỡ con sông xuôi về từ sương khói mây trời. Chiều tà, dõi về phía tây, trong màu tím thẫm của hoàng hôn, thấy dòng Tiên miên man chảy, bỗng nhớ câu ca “Ai đã làm con sông Tiên chảy ngược cho con đò về xuôi…”.
Từ đây, ngược về Tiên Châu, đến địa phận Tiên Cẩm, Tiên Hà, sông Tiên mang thêm một tên mới: sông Khang. Rời Tiên Hà chảy qua huyện Hiệp Đức, trước khi về với mẹ Thu Bồn, nó đổi tên thành sông Chang. Trên hành trình 43 cây số đầy gian truân, tên gọi sông Tiên gắn liền với câu chuyện buồn mà thấm đẫm chất nhân văn: “Sự tích dòng sông Tiên, thác Bố, bãi Vàng”. Vì muốn cứu giúp dân làng khỏi sự trừng phạt của Ngọc Hoàng, người con gái vị Sơn Thần đã lén cha khơi dòng nước chảy ngược về hướng tây, để ngày lên, cha nàng không bị đánh thức dậy bởi ánh mặt trời buổi sớm. Sợ trái lệnh Ngọc Hoàng, Sơn Thần sau khi không chặn được dòng nước ngược đã lao mình xuống dòng sông chảy xiết, nàng con gái vì quá đau buồn cũng tự trầm… Sông Tiên, thác Bố, bãi Vàng có tên gọi từ đó. Vậy nên, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc đến dòng sông chảy ngược với lòng biết ơn chân thành, vì nó không chỉ là nguồn sống, là hồn quê, mà còn là dòng sông của tình người.
Theo dòng Tiên, qua quãng Lò Thung (Tiên Cảnh), sông Tiên mang thêm một huyền thoại hấp dẫn về vị thần khổng lồ đã có công khai khẩn vùng quê này. Dấu tích đó nay vẫn còn in trên bãi Đá Giăng: vết chân khổng lồ, cái cối, cái chày… Phải chăng, dòng sông Tiên nên thơ đã bồi đắp phù sa để có một vùng quê bát ngát màu xanh với nhiều loại đặc sản như: tiêu, quế, chè, dâu đất, lòn bon…? Còn phần tâm hồn phong kín của nó là những lớp trầm tích văn hóa, mà vẻ đẹp sâu thẳm nơi dòng sông trôi qua là bóng dáng những ngôi làng, như làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh), làng cổ Hội An (Tiên Châu) đã và đang quyến rũ bao bước chân lữ khách.
Có những câu ca được truyền lại từ bao đời nay, rằng “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai đi đến đó cho lòng vấn vương…”. Hay “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai lên Tiên Phước lòng không muốn về…” đã nói hộ người dân nơi đây tình yêu thiết tha và niềm tự hào về một dòng sông huyền thoại. Sông Tiên đã, đang và mãi là dòng chảy của sự hòa điệu mênh mang từ cỏ cây hoa lá, đất trời và lòng người nơi miền trung du êm ả này.
(Theo baoquangnam.vn)