Đồng chí Hồ Nghinh, còn có tên là Hồ Hữu Phước (Ba Phước), sinh ngày 15-2-1913 tại làng Thi Lai, phủ Duy Xuyên, nay là thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên (Quảng Nam) trong một gia đình nhà nho thanh bạch, có truyền thống hiếu học và yêu nước.

Chân dung người Cộng sản Hồ Nghinh

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh với "Nụ cười chiến thắng". Ảnh Tư liệu


Đồng chí Hồ Nghinh được gia đình cho đi học từ rất sớm. Như bao học trò xứ Quảng khác, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Hồ Nghinh ra Huế học tại Trường Quốc học Huế, cùng lớp với đồng chí Võ Nguyên Giáp – sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại đây, người thanh niên xứ Quảng này đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các phong trào đấu tranh yêu nước và tiếp thu đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, đồng chí bị bắt, bị kết án hai năm tù giam. Trong thời gian ở tù, đồng chí Hồ Nghinh tranh thủ học nhiều ngoại ngữ: Anh, Trung Quốc, nhất là tiếng Pháp. Nhờ đọc nhiều, hiểu sâu, Hồ Nghinh được xem là có nhiều hiểu biết cả đông tây, thông kim bác cổ.

Có lẽ, thấy cha bị đày lên Di Linh một phần do mình, nên sau khi ra tù, Hồ Nghinh về quê với gia đình, lấy vợ rồi đi dạy học ở quê nhà. Cùng với Hồ Thấu, lập ra trường Tân Tân. Tên Tân Tân nói lên ý hướng của ông đi tới sự đổi mới với hy vọng trường sẽ đào tạo được lớp người xây dựng xã hội mới. Trong những năm tháng dạy học ở quê nhà, Hồ Nghinh luôn theo dõi thời cuộc thế giới và đất nước...

Những năm 1943-1944, Hồ Nghinh bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh, tiếp thu chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật của Việt Minh. Tháng 8-1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Tháng 2-1946, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính H. Duy Xuyên, vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương; rồi tham gia Huyện ủy Duy Xuyên. Chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến H.Duy Xuyên. Tháng 3-1947, tại Hội nghị Huyện ủy Duy Xuyên, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện. Tại Đại hội Đảng bộ H. Duy Xuyên tháng 7-1948, đồng chí Hồ Nghinh tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy.

Tháng 1-1949, đồng chí Hồ Nghinh được điều về tỉnh công tác và bổ sung vào Tỉnh ủy. Năm 1950, được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam– Đà Nẵng, đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh. Là con một nhà nho, một viên quan nhỏ nghèo và trong sạch, ông luôn sống bình dị, gần gũi với nhân dân, đi vào quần chúng một cách dung dị thoải mái. Là một tri thức có hiểu biết sâu rộng văn hóa phương Đông và phương Tây, với cách nói khúc chiết, phong thái nho nhã, nên ông được giới nhân sỹ tri thức mến mộ, nể trọng. Có người nói: “Ông sinh ra hình như là để làm công tác Mặt trận”.

Tháng 7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Lúc bấy giờ, chúng ta chủ trương đưa phần lớn cán bộ, bộ đội tập kết ra miền Bắc, song vẫn để lại một bộ phận hoạt động với các hình thức khác nhau. Đồng chí Hồ Nghinh được tổ chức phân công ở lại hoạt động công khai dưới vỏ bọc là Bí thư Đảng bộ Đảng Xã hội tỉnh Quảng Nam.

Hiệp định ký chưa ráo mực thì chính quyền tay sai do Mỹ hậu thuẫn đã ngang nhiên xé bỏ, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng của nhân dân ta. Không thể hoạt động như dự kiến, được tổ chức đồng ý, đồng chí Hồ Nghinh phải tìm cách ra miền Bắc. Năm 1956, Pháp đề nghị ta cử sỹ quan cùng đi tìm mộ của những người Pháp đã bỏ xác trên đất nước ta. Ta chấp nhận, đồng chí Hồ Nghinh được trên cử vào Đoàn sỹ quan tìm mộ cho Pháp ở chiến trường phía Nam. Thế là đồng chí trở về Đà Nẵng, nơi cách đây không lâu, bọn thực dân và tay sai ra sức vây bắt đồng chí. Người dân Đà Nẵng đi từ ngỡ ngàng đến khâm phục một sỹ quan Quân đội nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân phục, mũ mão đàng hoàng, đi đứng tự nhiên giữa lòng thành phố. Sự xuất hiện của người cán bộ Việt Minh năm xưa trên mảnh đất quê hương đã đem lại cho nhân dân TP Đà Nẵng bao tin yêu, phấn khởi. Nhân dân tin cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn còn đó và đang tồn tại, phát triển.

Sau đó, Đoàn sỹ quan tìm mộ bị giải thể. Trở ra miền Bắc, đồng chí Hồ Nghinh tham gia công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở tỉnh Nam Định; sau đó về công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Từ năm 1957 đến 1959, đồng chí Hồ Nghinh được điều về công tác tại Đặc khu Vĩnh Linh (khu vực giáp với giới tuyến quân sự tạm thời), làm Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, phụ trách công tác Dân vận – mặt trận.

Năm 1959, thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để giúp các địa phương miền Nam chuyển hướng đấu tranh, Trung ương điều động một số cán bộ tập kết ra miền Bắc trở lại miền Nam tham gia công tác, đồng chí Hồ Nghinh là một những người đầu tiên trở lại quê hương. Tháng 8-1959, Đoàn về đến Quảng Nam, đồng chí Hồ Nghinh được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam–Đà Nẵng. Tháng1-1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam–Đà Nẵng lần thứ IV tiến hành tại thôn Adhur (A Duân), bên bờ sông A Vương, H.Bến Hiên (nay thuộc H.Đông Giang), đồng chí Hồ Nghinh được bầu lại vào Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cuối năm 1960, đồng chí Hồ Nghinh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cuối năm 1962, thực hiện chủ trương của Khu ủy 5, Tỉnh ủy họp quyết định chia tỉnh Quảng Nam–Đà Nẵng thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Tháng 1-1963, Đảng bộ tỉnh Quảng Đà tiến hành Đại hội tại làng Đào, H.Bến Hiên, đồng chí Hồ Nghinh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà. Năm 1964, phong trào và lực lượng cách mạng Đà Nẵng phát triển mạnh, Khu ủy 5 quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Đà và thành lập Thành ủy Đà Nẵng; đồng chí Hồ Nghinh được cử kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng... Tháng 5-1967, để tập trung chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị, được sự chỉ đạo của Khu ủy 5, đồng chí Hồ Nghinh thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà để tập trung cho nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Tháng 11-1967, để chuẩn bị cho Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Khu ủy 5 quyết định sát nhập TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Đà thành Đặc khu Quảng Đà. Khu ủy cử đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy trực tiếp làm Bí thư; đồng chí Hồ Nghinh cùng một số đồng chí khác được cử làm Phó Bí thư Đặc khu ủy. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí Trương Chí Cương được điều về lại Khu ủy, đồng chí Hồ Nghinh được cử làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Tại kỳ Đại hội Đảng bộ đặc khu năm 1971, đồng chí Hồ Nghinh tiếp tục được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy.

Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đồng chí luôn có mặt nơi tuyến đầu, cùng với anh em, đồng đội gánh chịu bom đạn với tàu gáo, tàu rọ, Mỹ lết, địch lùng sục… Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Đà Nẵng được xác định là địa bàn trọng điểm của chiến trường Khu 5. Với trách nhiệm của mình, đồng chí đã vào tận nội thành Đà Nẵng giữa ban ngày để nắm tình hình địch, mặc dù biết rằng việc đó rất nguy hiểm, có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, địch đánh phá ác liệt, nhiều vùng ở Quảng Đà bị chúng cày xới nhiều lần, không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra dao động; dân không trụ bám nổi ở vùng giải phóng. Trong tình thế nóng bỏng ấy, đồng chí Hồ Nghinh quyết định đưa Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà về đứng chân ở Gò Nổi - nơi bị đánh phá, cày ủi liên tục ngày đêm. Có người lo lắng, sợ nguy hiểm cho cơ quan đầu não của Đặc khu. Đồng chí Hồ Nghinh kiên quyết: Lúc này, điều quyết định còn hay mất là mỗi đảng viên phải bám dân. Đúng là ở Gò Nổi nguy hiểm nhất nhưng lại hiệu quả nhất; lúc này mà Bí thư Tỉnh ủy đang ở Gò Nổi thì dù khó khăn mấy không một Bí thư Huyện ủy nào dám bỏ dân chạy, Bí thư xã còn bám trụ thì không Bí thư chi bộ hay đảng viên nào bỏ thôn, xóm; đảng viên còn trụ lại thì dân trụ lại, theo đó địa bàn còn thì phong trào còn.

Chính nhờ luôn ở phía trước, nhìn tận mặt quân thù, chia sẻ, đồng cảm với bao nỗi đau thương, căm phẫn của đồng bào, đồng chí mà đồng chí Hồ Nghinh đã có những quyết sách kịp thời, chính xác, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho quê hương. Tại Đại hội Đảng bộ Khu 5 lần thứ III (1973), đồng chí Hồ Nghinh được bầu vào Khu ủy và được Khu ủy bầu vào Ban Thường vụ Khu ủy 5; được phân công phụ trách phong trào đấu tranh ở đô thị. Đồng chí còn là Ủy viên Trung ương Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

(Theo Báo Công an Đà Nẵng)

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP