Trong kháng chiến chống Mỹ, khi các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn để kiểm soát các tuyến đường bộ thì nơi đầu nguồn sông Yên (huyện Hòa Vang) lại có một “nhịp cầu” nối đôi bờ không một ngày ngưng nghỉ. Các bến đò An Trạch (xã Hòa Lợi cũ, nay là xã Hòa Tiến), La Châu (xã Hòa Lương cũ, nay là xã Hòa Khương) đã trở thành những cung đường huyết mạch. Tất cả lương thực, đạn dược được người dân vận chuyển cất giấu dưới những căn hầm bí mật ven sông, rồi cùng bộ đội chờ đêm tối vượt sông an toàn.
Một bến đò cũ ven sông Yên trong ký ức của người dân thôn An Trạch.
Cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ vùng đất An Trạch năm xưa cũng chìm trong khói lửa chiến tranh, những tưởng người dân trong thôn sẽ bỏ làng, bỏ xứ ra đi. Nhưng không, họ vẫn một lòng chung thủy với quê hương, trụ bám để làm những cơ sở cách mạng kiên trung. Thời ấy, dân làng gần trăm hộ luôn bị địch đóng ở đồn Lệ Sơn sách nhiễu, vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy nguỵ quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Đêm bị quản thúc, sáng họ trở về làng cần mẫn với công việc đồng áng mưu sinh, tranh thủ thời gian đào hầm dọc các lũy tre ủng hộ cách mạng…
Còn ở vùng trắng La Châu, người dân không chịu tập trung vào khu dồn mà sống co cụm để cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, đợi đến đêm thắp sáng những ngọn đèn dầu, làm tín hiệu cho cách mạng vượt sông về cơ sở nắm tình hình, bám địch. Mỗi lần địch đi càn quét là những căn nhà tạm, vườn tược đều bị đốt sạch, phá sạch. Nhưng sáng địch đốt nhà, thì chiều dân làng làm lại hoặc chiều địch đốt thì sáng hôm sau làm lại chứ không hề nghĩ đến chuyện phải bỏ làng mình đi nơi khác ở. Để đối phó với giặc, cứ vài ba gia đình lại cùng nhau đào một hầm trú ẩn và giao thông hào. Với cách đào hầm bí mật, lỗ thông hơi nằm khuất dưới những lũy tre ven sông nên địch cũng khó phát hiện. 100% gia đình đều tham gia cách mạng, trong đó hình ảnh người phụ nữ La Châu bồng con nhỏ hiên ngang chặn đường xe tăng Mỹ đã lan truyền trong cả nước.
Theo ông Trà Văn Sinh (thôn La Châu), ngày ấy, đêm đêm 2 bờ sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân đào các hầm bí mật dọc sông để khi có “động tĩnh” là quân ta an toàn rút lui qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp vào các cơ sở của ta đều thất bại. Không những cung cấp nhân lực cho cách mạng, mà người dân còn biết cách phát huy lợi thế về điều kiện và phương tiện đường sông bằng cách lập các bến đò để đưa đón cán bộ nằm vùng cho đến ngày quê hương giải phóng. Đất nước thống nhất, các thôn An Trạch, La Châu được Đảng và Nhà nước ghi công 82 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 275 liệt sĩ và hàng trăm gia đình có công cách mạng. Chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang kiên trung. Bao đau thương trong cuộc chiến đã không làm chùn bước những người sống sót. Bây giờ, họ lại là những người tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Chiếc cầu vĩnh cửu nối đôi bờ sông Yên trên đường Vành đai phía Nam.
Nhìn chiếc cầu mới vừa hoàn thành trên đường Vành đai phía Nam nối đôi bờ sông Yên gần nơi các bến đò cũ hoạt động, ông Sinh trải thêm lòng: “Khi địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống mọi mặt ở nông thôn được nâng lên nhiều. Cái ăn, cái mặc thì từ lâu, không phải nghĩ tới nữa, còn đời sống tinh thần cũng dần nâng lên. Đường sá thì khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật. Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, các con ăn học thành đạt. Nông thôn mà được như bây giờ là sung sướng lắm rồi!”.
Có thể nói, đối với người dân An Trạch, La Châu thì những ký ức hào hùng và bi tráng của năm tháng chiến tranh vẫn sống mãi trong tâm trí họ. Chính hình ảnh của những bà mẹ thầm lặng chèo đò đưa cán bộ, bộ đội và tải đạn, nhu yếu phẩm qua lại giữa hai bờ sông trong làn mưa bom bão đạn của địch đã khắc họa một cách rõ nét nhất về tinh thần anh dũng, bất khuất của người dân nơi đây... “Sông Yên không dài, không rộng nhưng lại thấm đẫm dấu ấn của thời gian, ghi nhận những chiến công oai hùng của một thời đánh giặc giữ nước. Thế hệ chúng tôi lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng và không ít người đã hy sinh ngay trên mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” của mình” - bà Đặng Thị Tuyết (thôn An Trạch) nhắc lại.
(Theo dangbodanang.vn)