Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023, Ban Tổ chức đã chú trọng tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của văn hoá, phong tục tốt đẹp của dân tộc.

XQ QuanTheAm1

Phong tục xin chữ, nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt.

Ngày 17 tháng 2 âm lịch, ngày bắt đầu các hoạt động khai hội hằng năm là Lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa và Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái-Dân an. Lễ tưởng niệm được tổ chức nhằm tri ân công đức của Huyền Trân công chúa, người có công mở mang bờ cõi đất nước Đại Việt về phía Nam. Công chúa sau khi kết hôn với vua Chế Mân (Chăm Pa) thì nước Đại Việt đã được vua Chế Mân tặng quà sính lễ là hai châu Ô - châu Lý mà hiện nay là đất Thuận Hóa - Phú Xuân, trong đó có vùng đất Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng.

Là một trong những hoạt động nổi bật của Lễ hội năm nay, phải nhắc đến thành công trong tái hiện nét đẹp văn hoá độc đáo của phong tục xin chữ, cho chữ của người Việt. Trong suốt 3 ngày diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm, người dân và du khách rất ấn tượng với gian hàng của Hội Hán-Nôm thành phố Đà Nẵng, cùng chiêm ngưỡng và tham gia trải nghiệm phong tục xin chữ- một trong những phong tục đẹp của người Việt Nam. Trên giấy điều, thầy đồ múa bút viết không chỉ là những chữ có nghĩa như: Phúc, Tâm, Bình An, Lộc, Tài… mà còn thể hiện nghệ thuật thư pháp cùng với cái Tâm trong sáng, tao nhã.

Ông Nguyễn Ngô-Phó Chủ tịch Hội Hán-Nôm thành phố Đà Nẵng, cho biết: Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam. “Thông qua con chữ xin được, người dân và du khách gởi gắm tâm nguyện, mong cầu cho một năm mọi sự hanh thông, hoặc lời tâm niệm, lấy chữ để răn mình, phát nguyện ý chí giữ gìn nhân cách, phẩm hạnh, trí tuệ, đạo đức. Đặc biệt trong không gian lễ hội linh thiêng, việc gắn kết, gìn giữ được nét văn hóa này thật đáng quý.”, ông Nguyễn Ngô nói.

Một trong những hoạt động thu hút đông đảo người dân và du khách chính là sân khấu của Hội Hô hát bài chòi khu V. Với người dân và du khách, khoảng thời gian họ đến với Lễ hội, nhất định phải tìm đến và thưởng thức những làn điệu dân ca, bài chòi qua phần thể hiện của các nghệ sỹ Câu lạc bộ dân ca, bài chòi thành phố Đà Nẵng. Đó là món ăn tinh thần, thoả niềm yêu thích đối với loại hình nghệ thuật truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, du khách đến từ Nha Trang, chia sẻ: Hội Hô hát bài chòi là chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, du khách. Đặc biệt, điều đáng trân trọng chính là sự nỗ lực của địa phương trong tiếp tục giữ gìn và phát huy tình yêu bài chòi của người dân miền Trung nói chung và người dân cả nước nói riêng, nhất là bồi đắp tình yêu nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ.

 XQ QuanTheAm2

Nét đặc sắc của Hội Cờ làng.

Còn theo ông Trần Đình Dũng, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, đến với Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn ông ấn tượng với các hoạt động thể thao mang đặc trưng văn hoá dân gian, địa phương đó là: Hội Cờ làng, hội thi kéo co, đua thuyền. “Trên sân khấu chính Ban tổ chức bố trí mô hình bàn cờ mô phỏng đẹp mắt, các đội dự thi sẽ ngồi hai bên cùng bàn nhau các thế cờ, sau khi thống nhất sẽ đại diện một người thể hiện nước cờ trên bàn cờ chính. Các thành viên đội cờ thể hiện những màn so tài hấp dẫn với màn chạy đua sát sao từng điểm. Nét đặc sắc của Hội Cờ làng chính là sự tham gia của người dân và du khách, ai có nước cờ hay sẽ cùng góp ý tham gia cùng các đội thi.”, ông Dũng nói.

Và đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, Ban Tổ chức đã tái hiện và giúp du khách gần xa hiểu về làng nghề truyền thống của địa phương thông qua Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước với chủ đề “Đà Nẵng tình người”. Các tác phẩm đá mỹ nghệ do các nghệ nhân chế tác trực tiếp và các sản phẩm trưng bày tại các gian hàng dọc tuyến đường Sư Vạn Hạnh dẫn vào Chùa Quán Thế Âm góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản phẩm du lịch của Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023, bà Ngô Thị Kim Yến- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, khẳng định: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hoá dân tộc; là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nỗ lực giữ gìn và phát huy các truyền thống văn hoá, phong tục thông qua việc triển khai lồng ghép xuyên suốt các hoạt động của Lễ hội để người dân được trải nghiệm, hòa mình trong không khí của một Lễ hội Quán Thế Âm hoà quyện giữa tín ngưỡng đạo pháp và giá trị dân tộc.

 

(Theo dangbodanang.vn)

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP