Hòa cùng không khí lễ hội Quán Thế Âm tại khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn trong những ngày trung tuần tháng 2 âm lịch, những người nghệ nhân của làng đá mỹ nghệ Non Nước lại có thêm một dịp để trình diễn đôi bàn tay khéo léo điêu khắc nên những tác phẩm mềm mại, uyển chuyển từ khối đá tưởng như cứng nhắc, thô ráp.
Nghệ nhân tham gia Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước.
Trong khuôn viên lễ hội có phần náo nhiệt, có một nghệ nhân vẫn lặng lẽ ngồi trong một quầy trưng bày sản phẩm làng đá mỹ nghệ. Tay phải cầm chiếc búa nhỏ, tay trái cầm chiếc vê có mũi nhọn vừa đủ, người nghệ nhân gõ từng nhát búa gọn ghẽ, dứt khoát. Nghệ nhân Mai Văn Thiện cho biết ông đang điêu khắc bức phù điêu nữ thần Apsara. Bức phù điêu rộng khoảng 6 tấc, dài chừng 1 mét được ông miệt mài chạm khắc gần 3 tháng nay, đang dần bước vào khâu hoàn thiện. Theo từng tiếng gõ búa, đường nét mềm mại của cánh tay nữ thần dần hiện ra trên phiến đá xanh. Chỉ còn một chút xíu nữa thôi thì ông sẽ hoàn thành bức phù điêu này, có lẽ cũng kịp lúc lễ hội Quán Thế Âm kết thúc. Bức phù điêu gồm 2 tượng nữ thần Apsara đang uốn mình theo điệu múa. Theo truyền thuyết, nữ thần Apsara mang hình dáng những cô gái có vẻ đẹp siêu nhiên, phong cách thanh tao, lại rất điêu luyện trong nghệ thuật múa hát, đàn nhạc. Vì vậy, để điêu khắc nên hồn của nữ thần, người nghệ nhân phải nhẫn nại, khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ.
Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được coi là làng nghề lâu đời nhất và nổi tiếng nhất Đà Nẵng. Theo phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng đá Non Nước trước đây có tên Quán Khái Đông Giáp và Quán Khái Tây Giáp, được hình thành từ thế kỷ 18. Người đầu tiên lập làng và khai sinh ra nghề đá là cụ Huỳnh Bá Quát ở Thanh Hóa.
Ban đầu, số người biết nghề làm đá không nhiều, sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương, như các loại cối giã gạo, cối xay ngũ cốc hoặc các bia mộ được khắc bằng đá. Đến khoảng đầu thế kỷ XIX, khi triều Nguyễn cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm, nghề đá ở đây có điều kiện phát triển, uy tín của làng nghề cũng nâng cao, một số thợ giỏi được triều đình phong hàm Cửu phẩm, nhiều thợ của làng được mời đi làm nghề ở khắp nơi.
Từ những sản phẩm thô sơ ban đầu, nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước đã không ngừng đổi mới, sáng tạo nên nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ được nhiều người chiêm ngưỡng, thích thú. Nằm dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn đã có lịch sử hàng trăm năm tồn tại, làng đá Non Nước trở thành nơi chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng trong và ngoài nước. Năm 2014, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã chính thức công nhận làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đó, 3 hội viên của Hội làng nghề truyền thống điêu khắc đá Non Nước đã vinh dự được Chủ tịch Nước công nhận là nghệ nhân ưu tú, gồm các nghệ nhân Lê Bền, Nguyễn Việt Minh và Nguyễn Long Bửu. Tiếp theo đó, năm 2016, ông Nguyễn Hùng (doanh nghiệp đá Nguyễn Hùng) được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Ông Nguyễn Long Bửu (doanh nghiệp đá Long Bửu) được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân. Để được phong tặng danh hiệu này, các nghệ nhân đã có nhiều tác phẩm xuất sắc được xã hội thừa nhận, mang hồn cốt đại diện cho nghệ thuật đá Non Nước và kế thừa tay nghề của truyền nhân làng đá này.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay có diện tích khoảng 35 ha, bắt đầu hoạt động từ năm 2017. Trước kia, đá nguyên liệu thường được khai thác tại chỗ – núi đá Ngũ Hành Sơn, chủ yếu là đá cẩm thạch, có nhiều màu sắc, hoa văn đẹp như màu đỏ, đen, trắng, kết cấu mịn, mềm, dễ đục. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu tại chỗ ngày càng cạn kiệt, từ năm 1990, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng ra quyết định không cho phép khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn nữa, thợ làng nghề phải nhập đá từ các nơi khác về. Làng nghề nằm rải rác trong khu dân cư, sau đó được chính quyền quy hoạch, đầu tư hạ tầng, trạm xử lý nước thải và bố trí các cơ sở điêu khắc vào sản xuất tập trung và xây dựng trạm xử lý nước thải. Năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án mở rộng làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước nhằm tạo điều kiện phát triển nghề và làng nghề kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong quy hoạch, có nhiều điều chỉnh chi tiết nhằm quảng bá, thúc đẩy khâu tiêu thụ sản phẩm tại làng nghề. Cùng với đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Đá mỹ nghệ Non Nước" vào năm 2011, đồng thời thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia các chương trình xúc tiến và khuyến công nhằm phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.
Tuy vậy, người làm thủ công điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước hiện cũng gặp không ít trở ngại trước cạnh tranh của thị trường, nhất là khi máy móc, sản xuất theo công nghệ đang được áp dụng nhằm giảm thời gian, công sức làm ra sản phẩm, từ đó giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Anh Huỳnh Công Phương, một thợ điêu khắc đá mỹ nghệ ở phường Hòa Hải cho biết, anh là thế hệ thứ 3 trong gia đình, theo nghề từ khi còn cắp sách đến trường. Hơn 30 gắn bó với nghề của cha ông để lại, anh muốn duy trì phương pháp điêu khắc thủ công bởi những giá trị thẩm mỹ mà chỉ những đôi bàn tay khéo léo mới làm nên được; nhưng trước sự cạnh tranh của thị trường, anh cũng phải chuyển sang điêu khắc bằng máy để cạnh tranh về giá cả.
Qua nhiều công đoạn nhọc nhằn, nghệ nhân làng đá Non Nước đã thổi vào hòn đá vô tri tâm hồn của con người. Tuy vậy, cho đến nay, để nói sản phẩm nào mang nét đặc trưng, riêng có của làng đá Non Nước – Đà Nẵng thì vẫn còn chưa có câu trả lời. Để khích lệ, động viên nghệ nhân làng đá sáng tác những tác phẩm điêu khắc mang nét riêng của làng đá mỹ nghệ Non Nước - Đà Nẵng, mới đây, tại lễ hội Quán Thế Âm, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã khai mạc Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Hội thi thu hút sự tham gia của 27 đội thi, là những cơ sở điêu khắc tiêu biểu cùng tranh tài qua phần thể hiện chế tác nên những tác phẩm đá mỹ nghệ truyền tải thông điệp "Đà Nẵng tình người".
Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ẩn chứa các lớp lịch sử, văn hóa trong từng công đoạn của nghề, trên từng sản phẩm, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân địa phương. Sản phẩm của làng nghề hết sức đa dạng và phong phú. Với những đôi bàn tay và khối óc sáng tạo của lớp người trẻ, hy vọng, làng đá thủ công mỹ nghệ Non Nước sẽ tạo nên những sản phẩm đặc sắc, riêng có, đồng thời ngày càng đáp ứng được yêu cầu cao của mỹ thuật, của những người yêu thích điêu khắc mỹ nghệ thủ công trong và ngoài nước.
(Theo dangbodanang.vn)