Hai mạch ngầm này tuôn lên ngay giữa một nổng đất cao hơn mặt ruộng vài tấc từ cách đây hàng trăm năm, người dân địa phương gọi là Vũng Ông, Vũng Bà ở xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Sau khi tham quan Di sản văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), du khách tiếp tục vượt đèo Phường Rạnh rồi rẽ trái sang Tỉnh lộ 611 xuôi về phía đèo Le, đến gần giáp chân đèo, du khách nhìn về phía cánh đồng bên trái sẽ thấy suối nước nóng thung lũng Tây Viên thuộc xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Gọi là suối nhưng thực chất đây là hai mạch nước nóng ngầm cách nhau hơn 20 m từ trong lòng đất phun lên, không quanh co, róc rách như những dòng suối nước mát khác. Hai mạch ngầm này tuôn lên ngay giữa một nổng đất cao hơn mặt ruộng vài tấc từ cách đây hàng trăm năm, người dân địa phương gọi là Vũng Ông, Vũng Bà.

 XQ VungOngBa

Bể nước nóngVũng Bà, nước nóng lấy từ mạch nước nóng chảy trong lòng đấy địa phận xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Không biết ai đã đặt tên đất, tên làng nhưng theo nghĩa bóng được truyền lại thì Tây Viên là thung lũng hoa viên, bồng lai, tiên cảnh ở phía tây xứ Quảng.

Hẳn các bậc tiền nhân có lý khi đặt tên như thế bởi nơi đây vào mùa xuân, tiết trời bắt đầu dịu dàng thì cảnh sắc thiên nhiên vô cùng thơ mộng, hữu tình. Mỗi buổi sớm, từ thung lũng Tây Viên nhìn về phía mặt trời nhô lên khỏi đỉnh Hòn Tàu, Hòn Dung, Hòn Châu sừng sững, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh thật tuyệt vời.

Vô vàn giọt sương đêm long lanh như ngọc treo dày trên cây lá óng ánh khi gặp cái nắng vàng ươm càng làm cho bao lối nhỏ, xóm nhỏ của Tây Viên tĩnh lặng, yên bình tựa bức tranh thủy mặc.

Trải qua bao đời, hai mạch ngầm nước nóng phun lên từ trong lòng đất chảy tạo thành một con mương nhỏ len lỏi theo độ xuôi dần qua các thửa ruộng rồi hòa nhập vào dòng khe nước mát khá lớn cách đó không xa.

Năm 1998, có một doanh nghiệp tài trợ xây dựng hai cái bể bằng xi-măng không đáy ngay tại địa điểm mạch nước nóng phun trào, mỗi bể có diện tích chừng 15 m2 để gom dòng nước nóng rồi đóng ống sắt ngay chính giữa bể để nước tự chảy như cái vòi nước máy bình thường cho người dân sử dụng.

Bể Vũng Ông xây theo hình lục giác, bể Vũng Bà xây hình ôvan mềm mại nhằm phân biệt hai mạch nước ngầm.

Theo các nhà khoa học địa chất, hai vòi nước nóng ngầm này xuất phát từ chân dãy Hòn Tàu xanh thẳm, dãy núi có tổng diện tích chừng 100 km2 thuộc ba huyện Duy Xuyên, Quế Sơn và Nông Sơn (Quảng Nam) nên có trữ lượng nước ngầm rất lớn và luôn ổn định.

Trong mạch nước nóng này là các chất khoáng như: can xi, lưu huỳnh, sắt, kali… rất tốt cho sức khỏe con người.

Vào mùa nắng nóng, trời cao xanh lồng lộng chỉ nhìn thấy trong đáy bể nước nóng phủ màu bùn trắng, sủi bọt tăm, hơi nước bốc nhè nhẹ từ sức nóng 800C; vào mùa đông âm u, lạnh lẽo thì hai bể chứa luôn vờn quyện màu trắng toát khói sương bồng bềnh, huyền ảo.

Du khách tìm về thung lũng Tây Viên là để tận hưởng bầu không khí trong lành nơi miền sơn cước, ngắm nhìn thỏa thích cỏ cây, hoa lá và màu xanh mượt mà giăng giăng bất tận của núi rừng hùng vĩ từ phía xa xa.

Thú vị hơn bởi du khách sẽ được tự tay thả những giỏ trứng xuống đáy bể nước nóng luộc chừng 15 phút rồi kéo lên bóc vỏ thưởng thức ngay tại chỗ. Hai mạch nước nóng ở Tây Viên là điểm đến thú vị, nằm trong lộ trình khép kín khi du khách ghé thăm Mỹ Sơn, làng cây trái Đại Bình, thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng và suối Mát đèo Le…

 

(Theo danviet.vn)

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP