Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam, trực thuộc Bảo tàng Đà Nẵng. Tọa lạc tại số 02, đường 2-9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, bảo tàng là nơi cất giữ, trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm-pa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo lịch sử ghi chép lại, toà nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng vào năm 1915. Tuy nhiên, khoảng hơn 20 năm trước đó, nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm thấy tại Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận đã được tập trung về tòa nhà này với tên gọi là “Công viên Tourane”.
Quá trình thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX. Thời gian đó, người tiên phong trong việc thu thập tác phẩm là những người yêu khảo cổ học và những người làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ (L' École Française d' Extrême - Orient, viết tắt là EFEO) của nước Pháp. Sau khi thu thập, một số hiện vật được chuyển về Pháp. Một số khác được chuyển đến bảo tàng tại Hà Nội và Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Phần nhiều những tác phẩm tiêu biểu được lưu giữ tại Đà Nẵng.
Ý tưởng xây dựng bảo tàng để lưu giữ các tác phẩm điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng manh nha từ những năm 1902. Trong đó, có đề án của EFEO với sự đóng góp lớn của Henri Parmentier, chủ nhiệm Khoa Khảo cổ của EFEO.
Toà nhà đầu tiên được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair, trên cơ sở gợi ý của Parmentier về việc sử dụng một số đường nét của kiến trúc Chăm. Mặc dù trải qua nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ toà nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn giữ lại cho đến ngày nay.
Vào những năm 1930, bảo tàng được thi công mở rộng lần thứ nhất. Không gian của toà nhà bảo tàng gần 1000m2 được bố trí thành những khu vực trưng bày. Bao gồm các phòng: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.
Năm 2002, một tòa nhà 02 tầng được xây nối thêm vào phía sau, tăng thêm hơn 1000m2 để trưng bày các hiện vật sưu tầm sau năm 1975.
Năm 2005, kế hoạch nâng cấp bảo tàng được triển khai. Với sự trợ giúp của các chuyên gia Pháp trong dự án FSP, phòng Mỹ Sơn và phòng Đông Dương được cải tạo và khánh thành vào năm 2009.
Đến năm 2016, thành phố thực hiện dự án trùng tu toàn bộ các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày. Mục đích của dự án nhằm liên kết các tòa nhà của bảo tàng thành một lộ trình tham quan tổng thể. Trong đó, phần không gian trưng bày chính trưng bày các bộ sưu tập điêu khắc Chăm, còn lại là các phòng chuyên đề về văn khắc, gốm và âm nhạc, lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào Chăm hiện nay. Không gian dành cho biểu diễn và hoạt động giáo dục được đặt ở tầng 2 và khu dịch vụ được cải tạo bố trí ở sân vườn.
Năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam. Qua đó, khẳng định vai trò và những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.