Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định công nhận Tết Trung thu ở Hội An (Quảng Nam) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, trở thành một niềm tự hào của người dân Hội An nói chung và người dân Quảng Nam nói riêng.

Dl HoiAn

Tết Trung thu ở Hội An. Ảnh: Nguyễn Linh

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - khẳng định: “Là một hoạt động văn hóa dân gian bao chứa rất nhiều giá trị, tri thức, Tết Trung thu ở Hội An xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Danh hiệu này tạo điều kiện tôn vinh các giá trị đặc biệt của di sản, đồng thời để địa phương có cơ sở tập trung đầu tư, đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản trong thời gian tới.

Sự vinh danh của Nhà nước đối với di sản này là niềm vui, niềm tự hào to lớn của đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố Hội An. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 7 của Hội An.”

Tết Trung thu ở Hội An được hình thành trên cơ sở lễ Tết truyền thống của người dân Hội An với các nét đặc trưng như phá cỗ, làm lồng đèn, đồng thời cũng có sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa, Nhật Bản vào những thế kỷ trước.

Tết Trung thu ở Hội An vừa giữ gìn, lưu truyền và phát huy những nét sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân Hội An vừa mang tính giáo dục sâu sắc vốn có của lễ hội đối với thế hệ trẻ về tình yêu thương, lòng nhân ái, hướng về những giá trị văn hóa của con người.

Tết Trung thu từ lâu cũng đã trở thành một lễ hội văn hóa không thể thiếu của người dân Hội An; trong đêm Rằm tháng Tám có múa Thiên Cẩu, một nét văn hóa lâu đời của người dân Hội An, nay đã có phần mai một.

Múa Thiên Cẩu là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng của Hội An, đây là một linh vật truyền thống. Thiên Cẩu khác với Lân ở phần sườn khung, đuôi, mắt, mũi, sừng và điểm dễ nhận thấy nhất là đuôi. Đuôi của Thiên Cẩu dài khoảng 5m, trong khi đuôi Lân chỉ khoảng 2m, khung của đầu Thiên Cẩu thường có phần cằm chúi xuống thấp tạo thế chồm tới, dữ dằn hơn, còn đầu Lân lại có dáng ngước hàm lên trên và cao hơn. Thiên Cẩu có mang và mắt, mũi to, bành hơn về phía trước, hình dáng mắt gần với mắt cá.

Gần 30 năm gắn bó với nghề làm Lân, Thiên Cẩu ở Hội An, anh Nguyễn Hưng (phường Cẩm Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) được đông đảo người dân, đặc biệt là những người yêu Lân biết đến.

“Thú chơi của người Hội An ngày xưa là Thiên Cẩu (chó trời) chứ không phải múa Lân như bây giờ. Đặc điểm của Thiên Cẩu cũng khác với Lân rất nhiều, đầu Thiên Cẩu dài, nét mặt hung dữ và thường hướng xuống còn đầu Lân thì hướng lên”, anh Nguyễn Hưng chia sẻ.

Thiên Cẩu và Lân là những linh vật lâu đời tượng trưng cho sự hạnh phúc, phát đạt và may mắn. Múa Thiên Cẩu cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn, bước chân người múa cũng phải di chuyển theo thế đứng tấn của võ thuật. Những năm sau này, múa Thiên Cẩu thưa dần và múa Lân trở nên phổ biến hơn ở Hội An.

Với nghệ nhân Nguyễn Hưng, bất kể khi nào có cơ hội là anh lại dành cho Thiên Cẩu sự ưu ái nhất, để tạo tác, để giới thiệu và quảng bá về nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này của Hội An.

Hiện ở Hội An có ít nhất 32 đội Thiên Cẩu, Lân sư rồng hoạt động trong dịp Tết Trung thu. Mỗi đoàn múa thường có ít nhất từ 15 người đến 50 người. Các đội múa phân bổ ở khắp các xã phường của Hội An, trong đó tập trung ở các phường nội thị Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Từ những đội múa đó đã hình thành nên nhiều lớp nghệ nhân chế tác đầu linh vật và biểu diễn múa Thiên Cẩu, Lân, Sư tử, Rồng...

 

(Theo laodong.vn) 

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP