Sau đại dịch Covid-19, để góp phần thu hút khách du lịch, cùng với không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ, tích cực đổi mới sản phẩm du lịch, đăng cai thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, TP Đà Nẵng còn tiên phong thực hiện “Thành phố môi trường”, “Đô thị sinh thái”, là địa chỉ tin cậy, điểm đến ưa thích của hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế...
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Mới đầu mùa du lịch nhưng Đà Nẵng đã nhộn nhịp trở lại khi các điểm tham quan, vui chơi đón khách ngày càng đông; ngoài khách nội địa, khách quốc tế cũng tăng mạnh. Để phục vụ du khách, các cơ sở, doanh nghiệp đang bổ sung, làm mới dịch vụ để tiếp tục thu hút du khách trong thời gian tới.
Đi dọc các tuyến phố ở Đà Nẵng vào những ngày này, chúng tôi gặp từng đoàn xe xích lô nối đuôi nhau chở khách du lịch. Đây là một trong những sản phẩm du lịch được du khách quốc tế yêu thích, lựa chọn sử dụng khi đến Đà Nẵng. Theo chị Huỳnh Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch, Sở Du lịch TP Đà Nẵng, mặc dù thành viên của đội xích lô đều là những người đã làm lâu năm, có kinh nghiệm phục vụ du khách nhưng hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng mềm dành cho thành viên, giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống trong phục vụ du khách. Cùng với đó, để tiện cho khách du lịch tra cứu, tìm hiểu thông tin, Đà Nẵng xây dựng kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến, đặc biệt chú trọng công tác truyền thông thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 với các hình thức video, MV ca nhạc, clip...
Nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức tại Khu du lịch Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng. Ảnh: Sở Du lịch TP Đà Nẵng cung cấp
Những ngày này, lượng du khách đến Đà Nẵng rất đông. Điều đó cho thấy các đơn vị, hộ kinh doanh đã có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nguồn nhân lực phục vụ du khách.
Có mặt tại bãi biển Mỹ Khê (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà) từ sớm, gia đình anh Đào Duy Tuấn, đến từ xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho hay không khỏi bất ngờ khi ngay tại bãi biển du lịch mà các loại đồ ăn, ẩm thực phong phú, đa dạng, giá lại rẻ. Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi gọi 2 phần gà rán, 2 phần mì Ý cho 4 người, giá chưa tới 200.000 đồng; ly cà phê sữa Sài Gòn chỉ có giá 23.000 đồng. Dọc bãi biển có hàng chục xe thức ăn lưu động, tôi thấy đều niêm yết giá rõ ràng, giá rẻ so với nhiều điểm du lịch khác”.
Với mục tiêu đưa biển Đà Nẵng thành điểm đến “an toàn, văn minh, hấp dẫn”, trong đó tập trung phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch biển về đêm phục vụ du khách, Đà Nẵng tăng cường các hoạt động dịch vụ dọc bãi biển như: Chiếu phim kết hợp giải khát; vũ hội đường phố; sự kiện ngoài trời tại sân khấu đêm kết hợp sinh hoạt cộng đồng, mời các ca sĩ, ngôi sao nổi tiếng tham dự... nhằm tạo thêm sân chơi giải trí về đêm cho du khách và người dân.
Là trụ cột chính trong nền kinh tế TP Đà Nẵng, ngành du lịch đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Trong năm 2022, số lượt khách lưu trú phục vụ ước đạt 3,69 triệu, tăng 3,1 lần so với năm 2021. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 483.000 lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021; khách nội địa ước đạt 3,26 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2021. Đặc biệt, du lịch Đà Nẵng trong năm 2022 vinh dự đón nhận hàng loạt giải thưởng, danh hiệu quốc tế như vị trí thứ 21 trong Top 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á do trang TripAdvisor công bố, vị trí thứ 3 trong Top 10 thành phố hàng đầu Đông Nam Á-Giải thưởng Asia's Best Awards 2022 của Tạp chí Travel+Leisure (Mỹ).
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, bước vào năm 2023, ngành du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn chất lượng cao, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị trường, bảo đảm an ninh, an toàn điểm đến; phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15-20% so với năm 2022. Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2023 phục hồi du lịch mạnh mẽ để đến năm 2030, khách lưu trú ước đạt 13-14 triệu lượt. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế.
Bảo vệ môi trường, tạo ấn tượng tốt cho du khách
Những năm gần đây, bất kỳ ai đến TP Đà Nẵng cũng đều khá ấn tượng về những cung đường sạch đẹp; những ngõ phố, công viên rợp bóng cây xanh, những công trình công cộng tiện ích, thiết thực, gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là các bãi tắm trong lành, mát mẻ, thu hút đông đảo du khách.
Thu hút khách du lịch, gắn với bảo vệ môi trường luôn là quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong những năm qua. Đó cũng là trách nhiệm, thói quen của từng người dân, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị thành phố. Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 với tổng kinh phí 15.546 tỷ đồng được UBND TP Đà Nẵng ban hành ngày 2-4-2021 đã khẳng định quyết tâm của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đồng chí Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thực hiện đề án này, hai năm qua, thành phố đã tổ chức 15 hội thảo trực tuyến quốc tế và cấp quốc gia, xúc tiến 9 dự án hỗ trợ về môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời huy động hơn 100.000 lượt người/năm tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đồng thời duy trì thành nền nếp nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động bảo vệ môi trường, hai năm liên tục (2021-2022), TP Đà Nẵng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp loại đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố cả nước về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI).
Có thể nói, trên dải đất miền Trung-Tây Nguyên, Đà Nẵng đang đóng vai trò là đô thị hạt nhân, là biểu tượng, niềm tự hào về sự vươn mình trỗi dậy trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh xã hội. Thực tế cho thấy, trong khi ở nhiều nơi, việc chống rác thải nhựa mới chỉ dừng lại ở phong trào thì tại Đà Nẵng đã trở thành thói quen, nếp nghĩ của người dân. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường ở Đà Nẵng lần lượt ra đời, duy trì hiệu quả, như: “Thùng rác môi trường”, “Tận dụng vải bạt cũ may túi đi chợ", “Gian hàng 0 đồng từ phân loại rác thải”... Đặc biệt, sau mỗi đợt mưa lũ, thiên tai, rác theo dòng nước từ thượng nguồn đổ vào vùng biển Đà Nẵng, không ai bảo ai, từ cán bộ, công chức, chiến sĩ LLVT đến thanh niên, người già, trẻ nhỏ trên địa bàn thành phố đều đồng lòng ra biển dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, góp phần tạo nên một Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại, sạch sẽ, yên bình và lãng mạn.
48 năm sau Ngày giải phóng (29-3-1975 / 29-3-2023), 26 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1-1-1997), từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, TP Đà Nẵng nhanh chóng bứt tốc, vươn lên thành đô thị loại 1 cấp quốc gia với các thế mạnh được phát huy ngày càng hiệu quả. Hiện tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn so với khi bắt đầu là thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng gấp 27 lần; tổng thu ngân sách của thành phố tăng gấp 18 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 7 lần. Hạ tầng kết nối, không gian đô thị không ngừng được mở rộng, sự phát triển thành phố hài hòa, cân đối với 9 chiếc cầu bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, nối liền hai bờ Đông-Tây, nhiều cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, thân thiện cho thấy Đà Nẵng đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế của một thành phố đáng đến, đáng sống tầm cỡ khu vực và thế giới.
(Theo qdnd.vn)