Với sự khéo léo và tình yêu đối với Đà Nẵng, chàng trai quê Hà Nam đã dựng lại những địa danh, công trình nổi tiếng của thành phố một cách sống động bằng gỗ.
Đều đặn hàng ngày từ 8h sáng, anh Nguyễn Văn Bính (37 tuổi, quê Hà Nam) đến xưởng sản xuất ở đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng và miệt mài với công việc cắt ghép, tạo hình sản phẩm lưu niệm với vật liệu gỗ.
Từ bàn tay của anh và các đồng nghiệp, cầu Rồng, nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng, cầu Vàng, Bà Nà Hills... được thu nhỏ và tái hiện một cách chi tiết, sinh động.
Anh Bính chia sẻ, học xong phổ thông, anh ra Hà Nội bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Tình cờ một lần giúp bạn làm quà, anh biết đến mô hình khắc gỗ nên ngỏ lời xin học nghề nhưng xưởng không nhận.
Năm 2015, anh Bính vào Đà Nẵng và ấp ủ dự tính khởi nghiệp với nghề làm sản phẩm lưu niệm bằng gỗ. Tuy nhiên, lúc này anh chưa tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về máy móc, quy trình, vật liệu, đồ họa.
Anh mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng mua máy khắc laser và học đồ họa. Thời gian đầu, anh mày mò làm những món đồ đơn giản như móc khóa, sau đó, thử sức với mô hình phức tạp hơn.
Sản phẩm hoàn thành trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là nghiên cứu công trình, địa điểm bằng quan sát thực tế hoặc qua hình ảnh, video. Sau đó lên ý tưởng, vẽ hình ảnh, chi tiết mô hình trên máy tính. Tùy vào độ phức tạp, thời gian hoàn thành bản vẽ mô hình từ 3 đến 15 ngày.
Có được bản vẽ mới dùng máy khắc laser để vẽ các chi tiết trên ván gỗ ép. Riêng một số sản phẩm đặc thù phải làm bằng gỗ tự nhiên để khắc được hoa văn mang tính thẩm mỹ cao.
Sau đó, người thợ lắp ráp thủ công, hoàn thiện sản phẩm. "Một mô hình 2D đơn giản với 10-20 chi tiết được lắp ráp trong khoảng 10 phút, còn mô hình 3D thì khoảng 10 giờ. Riêng những mô hình phức tạp, có cả nghìn chi tiết thì phải đến vài ngày mới xong", anh Bính chia sẻ.
Anh Bính nhớ lại những sản phẩm đầu tiên làm ra mang đi khắp nơi chào bán nhưng hầu như ai cũng lắc đầu. May mắn có một vài cửa hàng ở Đà Nẵng nhận bán thử. Nhờ đó, anh có tiền duy trì cơ sở và phát triển hoạt động sản xuất.
Đến nay, sản phẩm được xuất bán đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Với giá thành từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng, cơ sở có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là sinh viên làm thêm.
"Công việc này đối với tôi không chỉ để kiếm sống, mà còn là cách thể hiện tình yêu đối với Đà Nẵng. Tôi rất yêu thành phố này và mong muốn góp phần quảng bá du lịch Đà Nẵng đến với du khách gần xa bằng những mô hình lưu niệm ấn tượng, đẹp mắt", anh Bính bày tỏ.
(Theo dantri.com.vn)