Với lợi thế về địa lý trải dài bên bờ Bắc sông Túy Loan, hệ sinh thái nhân tạo phong phú cộng thêm bản sắc văn hóa đa dạng mang tính đặc trưng của làng quê Trung bộ xưa mà hiện nay ít nơi nào lưu giữ được… nên làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có tiềm năng rất lớn về du lịch cộng đồng nói chung và du lịch sinh thái - văn hóa nói riêng đã được huyện, TP chọn đầu tư, phát triển. Sau thời gian triển khai xây dựng, cuối tháng 5 này, Làng du lịch sinh thái Thái Lai chính thức đưa vào hoạt động với nhiều kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.
Làng du lịch sinh thái Thái Lai đón chào khách du lịch bằng đường thủy nội địa.
Nằm ven tuyến đường nhựa chạy qua thôn Thái Lai là ngôi đình cổ kính được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp TP vừa được trùng tu, tôn tạo. Theo tư liệu, đình làng này hình thành cách đây gần 300 năm với lối kiến trúc theo quy cách xây dựng thời triều Nguyễn; trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng còn lưu giữ được nét xưa. Trong chống Pháp, đình là nơi hội tụ của người dân địa phương đứng lên giành chính quyền; trong chống Mỹ, mặc dù là vùng bị địch chiếm đóng, nhưng người dân vẫn kiên trung, một lòng theo cách mạng và đình trở thành nơi tập kết lương thực, vũ khí, che giấu cán bộ vượt qua những giai đoạn khó khăn, ác liệt. Đình làng Thái Lai qua bao thế hệ vẫn là nơi hội tụ, sản sinh những giá trị truyền thống của dân làng, hình thành nhiều phong tục tốt đẹp có sức lan tỏa lớn, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Giữa làng quê yên tĩnh, không gian thoáng mát, khách du lịch có thể men theo con đường nhỏ để đến tham quan gia trang Đỗ Gia Viên rộng 3.500m2 với các vườn cây ăn quả rợp bóng mát và có nhiều loại hình nghệ thuật, tiểu cảnh theo kiểu cổ xưa, hài hòa. Du khách có thể ngồi uống trà, nghỉ ngơi, thư giãn dưới các nhà chòi thiết kế hình lục giác, bát giác… Trong đó, tâm điểm là ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường của chủ nhân Đỗ Hữu Minh. Đây là ngôi nhà cổ độc nhất ở TP còn giữ được vẹn nguyên với lối kiến trúc đặc trưng nhà Việt cổ. Tuy đã qua nhiều thế hệ sinh sống nhưng ngôi nhà vẫn giữ nguyên nét kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt xưa, từ cái nồi đồng nấu cơm, bộ tràng kỷ bằng gỗ, liễn đối, bàn thờ, các cối xay bằng đá...
Đặc biệt, thời gian gần đây, ông Minh còn xây dựng một “bảo tàng” nông nghiệp thu nhỏ trưng bày gần như đầy đủ các nông, ngư cụ truyền thống với hàng trăm hiện vật, vật dụng luôn đồng hành, gắn bó lâu đời với người dân. Các hiện vật được xếp ngăn nắp, gọn gàng theo từng chủ đề. Ông Minh trải lòng: “Ở mỗi không gian, chúng tôi luôn giới thiệu hiện vật rất rõ ràng, chi tiết để du khách có thể chiêm nghiệm. Bảo tàng nông cụ “mi-ni” này sẽ là nơi giáo dục sinh động, một hoạt động trải nghiệm giáo dục thực sự gần gũi và thiết thực để du khách, học sinh, sinh viên tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, lịch sử phát triển của nông nghiệp, sự thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân qua từng thời kỳ”… Cuốc bộ thêm vài phút, cuối làng Thái Lai là cánh đồng sen rộng lớn, đến mùa trổ hoa thơm ngát được bao bọc bởi những lũy tre và các con đường bê-tông liên thôn Ninh An, Phước Hưng Nam nằm cạnh dòng sông Túy Loan hiền hòa.
Dân làng Thái Lai rộn ràng trang trí các hạng mục phục vụ cho ngày đưa vào hoạt động.
Đến làng Thái Lai, nếu có nhu cầu nghỉ qua đêm, ngoài việc có thể sử dụng dịch vụ cắm trại, các homestay của các hộ dân nơi đây cũng luôn sẵn sàng phục vụ với đầy đủ trang thiết bị cơ sở vật chất để du khách có thời gian khám phá, ghi nhận được sự bình yên đáng ngạc nhiên của một làng quê nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa. Du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn dân dã như: mì Quảng, sắn hông lá dứa, khoai lang nướng, bánh xèo, mít trộn, bánh gói, bánh ít ngọt, bánh tro, bánh đúc, thịt heo cuốn bánh tráng... đậm chất “cây nhà, lá vườn” của nông dân bản địa.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu, qua một thời gian khảo sát, đánh giá tiềm năng tiến tới xây dựng đề án, các ngành chức năng của huyện, xã đã tiến hành thăm dò ý kiến người dân trong thôn Thái Lai và được đồng thuận cao. TP cũng đã có chủ trương phát triển du lịch đường thủy nội địa, khớp nối Thái Lai vào mạng lưới du lịch đường sông… Đây là những yếu tố thuận lợi để người dân Thái Lai kỳ vọng vào việc đầu tư, phát triển làng du lịch sinh thái cộng đồng. “Mong rằng, trong thời gian đến, Làng du lịch sinh thái Thái Lai tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp để địa phương phát triển các dịch vụ du lịch phù hợp với tiêu chí du lịch xanh. Cùng với du khách, 196 hộ dân trong thôn là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích hữu hình cũng như vô hình của hoạt động này. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị nhân văn, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch xanh đúng hướng và bền vững”, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết thêm.
(Theo báo Công an thành phố Đà Nẵng)