Với người Quảng, mỳ Quảng món ăn thường ngày, làng xóm nào cũng có lò tráng mỳ, bán mỳ Quảng... Có một quán mỳ Quảng dân dã ở thôn Hạ Mỹ, xã Duy Vinh (Duy Xuyên) là nơi lui tới của những vị khách đến từ nửa vòng trái đất bởi cách tráng mỳ, chế biến nước nhưn hết sức... cổ lỗ nhưng ấn tượng.
Tận tình hướng dẫn du khách trải nghiệm công đoạn tráng mỳ. Ảnh: PHẠM HẢI
Đó là quán mỳ Quảng Cô An thôn Hạ Mỹ, xã Duy Vinh. Quán mỳ nuôi sống gia đình bà đã 20 năm qua. Chợt một ngày, bà đón đoàn khách nước ngoài đến thăm. Trước hết họ tò mò trải nghiệm từng công đoạn xay bột, pha bột, tráng ra lá mỳ cho đến làm rau. Rồi tô mỳ Quảng thơm nức hiện ra trước mặt, mùi vị tổng hòa hương thơm của rau sống, nước nhưn, bánh tráng ăn kèm... đồng loạt dậy lên khiến những chiếc dạ dày du khách cồn cào réo gọi...
Du khách ngồi chờ được cô Võ Thị An hướng dẫn cách tráng mỳ. Ảnh: PHẠM HẢI
Ở Hội An mỳ Quảng không thiếu, song mỳ Quảng cô An có gì đặc biệt mà khiến các vị khách châu Âu phải vượt sông Thu Bồn tìm đến?
“Thật ra công thức và nguyên liệu của tô mỳ tôi làm ra không khác chi tô mỳ của mọi người quanh đây. Nhưng cái khác ở chỗ là "mùi" bếp. Cái gian bếp nhà quê từ nào giờ tôi vẫn giữ vậy, tôi tráng lá mỳ bằng lò trấu chứ không dùng bếp ga công nghiệp hiện đại như người ta... Ngày trời lành lạnh, ngồi bên cái bếp trấu ấm ru, mùi khói trấu thật thà... chắc làm mấy ông khách tây ưng thì phải... Xứ ổng làm gì biết cái lò trấu như mình" - bà An thật thà chia sẻ.
Mỗi ngày, các tour từ Hội An đưa hàng chục du khách vượt sông tìm đến quán mỳ Cô An. Ảnh: PHẠM HẢI
Lò trấu góp phần làm nên hương vị đặc trưng của lá mỳ Quảng. Ảnh: PHẠM HẢI
Lò mỳ Quảng cô An nằm trong con hẻm rộng chỉ chừng hơn 2 mét. Căn nhà và cả không gian bếp cũng chật hẹp, chỉ đủ chứa khoảng 20 người. Nhưng mỗi ngày lò mỳ của cô đón từ 3 đến 5 đoàn du khách châu Âu đến trải nghiệm làm mỳ Quảng và thưởng thức.
Không gian lò mỳ tuy chật hẹp nhưng du khách vô cùng thích thú. Ảnh: PHẠM HẢI
“Nhiều du khách trố mắt với nguyên liệu đốt lò là vỏ trấu - cũng từ lúa gạo lại có thể sinh ra lượng nhiệt đủ sức làm nóng lò mỳ. Tàn tro của trấu sau đó lại thành một thứ chất bón hữu cơ để trồng rau, bón lúa, trồng đậu... Cứ thế, câu chuyện tuần hoàn về hạt lúa, lá mỳ cứ dệt nên câu chuyện lạ làm du khách thích thú...” - bà An vui vẻ chia sẻ.
Cô An hướng dẫn cách tráng mì. Ảnh: PHẠM HẢI
"Tôi dựng lò mỳ này đã 20 năm, đến nay có hơn 10 năm phục vụ tour cho du khách nước ngoài. Để đa dạng, tôi có món bánh đập, bánh tráng nướng nhúng nước cuốn mì lá chấm mắm cái bên cạnh món chính là mỳ Quảng. Nhờ rứa mà khách tìm đến đông, mấy ngày gần đây ngày nào cũng đón trên dưới 70 người, nhiều thì có khi lên đến trăm khách".
Hướng dẫn du khách làm món bánh đập. Ảnh: PHẠM HẢI
Anh Lý Bá Nhơn - người chuyên đưa khách đến lò mỳ Cô An tâm sự: “Tôi có hơn 7 năm đưa khách qua sông, đạp xe thăm đồng ruộng rồi tới lò mỳ Cô An, hầu hết du khách đều thích thú bởi câu chuyện mỳ Quảng mà chúng tôi kể họ nghe. Có hôm đông quá, khách vẫn vui vẻ đứng chờ đợi hàng giờ để được trải nghiệm tráng mỳ và thưởng thức tô mỳ Quảng do chính tay họ cùng bà An làm ra”.
Du khách nhẫn nại đứng chờ tới lượt mình thưởng thức mỳ Quảng trong hẻm nhỏ. Ảnh: PHẠM HẢI
Lò mỳ Cô An thường phục vụ từ 8h sáng đến chiều tối, ngoài ra còn bán mỳ ký cho bà quanh trong xóm và các vùng lân cận. “Nghề tráng mỳ giúp kinh tế gia đình tôi ổn định hàng chục năm nay. Tuy hơi cực, nhưng vui khi mình phục vụ cho du khách khắp nơi. Cứ nghĩ câu chuyện mỳ Quảng dân dã xứ mình được họ nghe, thưởng thức và về nước kể lại cho người thân của họ nghe là chúng tôi vui lắm” - bà An thổ lộ.
Cô An luôn nhiệt tình với du khách. Ảnh: PHẠM HẢI
Dạy cách chấn (xắt) mỳ truyền thống. Ảnh: PHẠM HẢI
Lò mỳ Cô An được chính du khách châu Âu ghi lại clip và lan truyền trên mạng. Ảnh: PHẠM HẢI
... và thưởng thức mì Quảng. Ảnh: PHẠM HẢI
Món bánh đập, bánh tráng nhúng nước cuốn mỳ lá chấm mắm cái rất được khách tây ưa chuộng. Ảnh: PHẠM HẢI
(Theo baoquangnam.vn)