Là sản phẩm sáng tạo phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và giúp làm giàu đời sống văn hóa cộng đồng, qua thời gian, lễ hội truyền thống trở thành một loại hình di sản quan trọng, không chỉ minh chứng cho bề dày lịch sử, sức sáng tạo của Đà Nẵng, mà còn khẳng định tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa trên mảnh đất Đà thành. Vì vậy cần có các giải pháp khơi thông nguồn lực để lễ hội truyền thống thực sự trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa ấn tượng trong ngành công nghiệp văn hóa của thành phố ven sông Hàn.

SK CN

Lễ hội truyền thống trở thành một loại hình di sản quan trọng, không chỉ minh chứng cho bề dày lịch sử, sức sáng tạo của Đà Nẵng, mà còn khẳng định tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa trên mảnh đất Đà thành. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Tính đa dạng, độc đáo của lễ hội

Hàng năm, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức từ 23 đến 28 lễ hội bao gồm các loại hình: lễ hội dân gian (Lễ hội đình làng, Lễ hội cầu ngư), lễ hội tôn giáo (Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn), lễ hội lịch sử cách mạng (Lễ hội tế nghĩa sĩ Khuê Trung). Bên cạnh tính đa dạng từ diễn xướng bài chòi, tuồng, tổ chức các trò chơi dân gian…, các lễ hội truyền thống này còn là tiếng nói giàu cảm xúc từ đời sống tinh thần của người dân Đà Nẵng. Vì vậy, lễ hội truyền thống còn là sản phẩm văn hóa quan trọng và đặc biệt của ngành du lịch thành phố, bởi thông qua việc giới thiệu các giá trị về văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội, khách du lịch sẽ có những cảm nhận sâu sắc, ấn tượng hơn về mảnh đất và con người Đà Nẵng.

So với các tỉnh, thành khác trên cả nước, Đà Nẵng có số lượng các lễ hội truyền thống không phong phú bằng, song là mảnh đất có các lễ hội giàu bản sắc văn hóa địa phương. Những ngày này, hàng vạn phật tử, người dân thành phố và du khách háo hức đổ về chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) dự Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 để chiêm bái màn tái hiện hình tượng Phật bà Quan âm trong Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế âm “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Đây là lễ hội truyền thống có quy mô lớn bậc nhất tại thành phố biển, được tổ chức đều đặn hàng năm vào ba ngày 19, 20, 21 tháng 2 âm lịch tại chùa Quán Thế Âm, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Lễ hội này không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam, với nhiều hoạt động mang ý nghĩa cầu cho dân an, mưa thuận gió an, nhà nhà mạnh khỏe, yêu thương nhau. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho hay, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội năm nay cho hay: “Lễ hội Quán Thế Âm chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn; đồng thời, là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc trên thế giới”.

Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa - cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang. Lễ hội Cầu Ngư gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Sau khi phần lễ trang nghiêm kết thúc, phần hội náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: bơi lội, hát tuồng, đua thuyền… sẽ được diễn ra trong tiếng hò reo của đông đảo người dân địa phương và du khách bốn phương. Trở lại sau hai năm Covid-19, Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê mang đến một không khí đầy hứng khởi, vui tươi, hy vọng về một năm mới hạnh phúc, bình an cho người dân trên địa bàn quận và cả những du khách gần xa. Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê, cho biết, việc bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật…, đồng thời đề cao giá trị kết nối cộng đồng trong đời sống hiện đại, tạo điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Phát huy tính đặc sắc của lễ hội

Thành phố Đà Nẵng còn có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo khác, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như Lễ hội Làng Hòa Mỹ, Lễ hội Làng Túy Loan, Lễ hội Làng An Hải, Lễ hội Mục đồng… Các lễ hội kể trên chỉ là một vài trong nhiều lễ hội truyền thống đã và đang có mặt trên mảnh đất Đà Nẵng, góp phần khẳng định bề dày lịch sử, sức sáng tạo dồi dào và đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cư dân thành phố đầu biển cuối sông này. Điều đáng nói, dù cùng chung đặc trưng là sáng tạo từ dân gian, song mỗi lễ hội lại hàm chứa những giá trị và bản sắc riêng, thể hiện câu chuyện, thông điệp của cộng đồng mình. Chính những điều này góp phần mang đến tính đa dạng mà độc đáo của lễ hội - tiềm năng, nguồn lực để trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn trong ngành công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy số lượng du khách đến với các lễ hội này còn khá khiêm tốn, bởi việc xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội còn bất cập, công tác tổ chức ở một số lễ hội còn mang nặng tính hành chính đã giảm sự hấp dẫn của lễ hội. Bên cạnh đó, vấn đề thông tin quảng bá các lễ hội còn hạn chế đến du khách và đặc biệt với các công ty lữ hành, những người làm tour du lịch. Điều này đã hạn chế rất lớn đến vấn đề doanh thu du lịch từ lễ hội. Trong khi đó, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội của cán bộ văn hóa cơ sở vẫn còn yếu kém dẫn đến sự lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giúp thúc đẩy kinh tế, xã hội và quảng bá hình ảnh cộng đồng. Điều kiện tiên quyết cho phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội là cần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, tính hấp dẫn, riêng có của lễ hội. Cùng với đó là cách thức tổ chức, quản lý lễ hội bảo đảm văn minh, tăng niềm tin, thiện cảm với du khách; khai thác các hoạt động văn hóa sáng tạo trên các lĩnh vực liên quan tới lễ hội, từ đó tăng sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách.

Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2023 phục hồi du lịch mạnh mẽ để đến năm 2030, khách lưu trú ước đạt khoảng 13-14 triệu lượt. Đà Nẵng không có nhiều lễ hội truyền thống, vì vậy chính quyền thành phố cần có những giải pháp phát huy vai trò của lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với mảnh đất ven sông Hàn thơ mộng và đầy sức sống này.

 

(Theo dangbodanang)

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP