Cúc họa mi vốn là giống hoa quen với khí hậu lạnh ở miền Bắc. Các tiến sĩ công nghệ sinh học ở Đà Nẵng đã nghiên cứu thành công, khiến hoa khoe sắc trái mùa nơi phố biển.

Thêm mùa "hoa lạ" cho thành phố biển

Giữa tháng 2, vườn cúc họa mi tại Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh. Giữa vườn cúc trắng, ai cũng tìm cách tạo dáng trước máy ảnh, điện thoại, để có những tấm ảnh đẹp nhất.

 SK Cuc1

Tiến sĩ Quyết là một trong những người thực hiện việc mang cúc họa mi về trồng tại Đà Nẵng (Ảnh; Hoài Sơn).

Nghe tin vườn cúc họa mi mở cửa đón khách đến tham quan, Lê Bảo Uyên (16 tuổi, quê Quảng Nam) đã cùng mẹ đến đây "check-in" từ sáng sớm.

"Đây là lần đầu tiên tôi được ngắm cúc họa mi tại Đà Nẵng, loài hoa mà trước đây chỉ có tại các tỉnh phía Bắc", Uyên chia sẻ.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Quyết - Trưởng phòng Khoa học ứng dụng, Trung tâm Công nghệ sinh học tươi cười nhìn du khách và người dân chiêm ngưỡng cúc họa mi. Thi thoảng, anh phải nhắc nhở người vào vườn không dẫm lên hoa.

 SK Hoa2

Cúc họa mi trái mùa có hoa to và nở kéo dài hơn so với giống nguyên bản (Ảnh: Hoài Sơn).

Tiến sĩ Quyết cho hay, khu vườn này là mô hình thử nghiệm cúc họa mi tại Đà Nẵng, do Trung tâm CNSH thực hiện nhằm đánh giá sự phù hợp của loại cúc này với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Nẵng, từ đó mở rộng phát triển và chuyển giao cho bà con nông dân.

Đây là mùa cúc thứ 5 được Trung tâm ươm tạo và chăm sóc. Năm nay diện tích trồng khoảng 500m2 với 10.000 gốc. Hoa được xuống giống từ tháng 10/2022.

Người đưa ra ý tưởng đưa mùa hoa "lạ" về Đà Nẵng là Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu. Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực là khoảng cách rất lớn, vì loài hoa này chỉ thích hợp không khí miền Bắc, trong khi Đà Nẵng thời tiết và nhiệt độ lại cao hơn.

Lúc này, sau gần 10 năm học tập và làm việc ở xứ người, cuối năm 2018, anh Quyết về Đà Nẵng lập nghiệp và được Tiến sĩ Hậu giao việc thuần hóa loài hoa này. Và đây là dự án đầu tiên của anh nơi thành phố biển.

Tiếp nhận dự án, anh Quyết tập trung nghiên cứu về thổ nhưỡng, nhiệt độ cây có thể sinh trưởng, rồi bay ra Hà Nội để tìm hiểu đặc tính của hoa, kỹ thuật chăm sóc.

"Ở Hà Nội, mọi người quen với cúc họa mi vào đầu mùa đông, còn ở Đà Nẵng, chúng tôi quyết định cho cúc ra hoa vào mùa xuân", anh Quyết nói.

Hoa xứ lạnh khoe sắc trái mùa

Những ngày đầu bắt tay ngay vào công việc thuần hóa loại hoa này trên đất Đà Nẵng, anh Quyết chỉ trồng thử nghiệm 10.000 cây trên 300m2 đất của khuôn viên Trung tâm công nghệ sinh học.

Ban đầu, cúc họa mi có dấu hiệu sốc nhiệt, nên anh Quyết dùng trấu và vỏ đậu, bổ sung phân vi sinh để tăng đề kháng và cung cấp dinh dưỡng. Khi cây khỏe mạnh thì bón thúc như cách trồng hoa cúc khác.

Khi hoa chớm có nụ, nhóm kỹ sư mừng nhưng vẫn "chưa dám vui" vì từ nụ ra hoa cần một tháng nữa, nếu nụ không nở đều thì sẽ thất bại.

Lúc này, anh Quyết không dám rời vườn dù một bước, có nhiều đêm anh phải ăn, ngủ với những luống hoa cúc. Khoảng một tuần sau, cả vườn hoa bung nở trắng xóa, thời điểm này anh Quyết và các kỹ sư mới tự tin khẳng định việc trồng cúc họa mi tại Đà Nẵng là hoàn toàn khả thi.

 SK Hoa3

Du khách thích thú đến chụp hình bên vườn cúc họa mi trái mùa (Ảnh: Hoài Sơn)

Khi đã tự tin trồng cúc họa mi thành công, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo giới thiệu đến các hội nông dân với mong muốn chuyển giao cách trồng vào những năm tiếp theo.

Gắn bó với vườn cúc họa mi được hai mùa, anh Nguyễn Văn Thành (44 tuổi) cho hay, bản thân loài cúc họa mi sống ở khí hậu lạnh, ít mưa nắng. Nhưng thời tiết ở miền Trung vào cuối năm lại nhiều mưa nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh trưởng của cây.

 SK Hoa4

Anh Nguyễn Văn Thành đã gắn bó với vườn cúc họa mi được hai mùa hoa (Ảnh: Hoài Sơn).

Tuy nhiên, bằng những kỹ thuật đặc biệt, Trung tâm đã thuần hóa được giống hoa cúc họa mi ở Đà Nẵng. Không những thế, giống cây còn được cải thiện về chiều cao và thời gian hoa nở được kéo dài hơn so với nguyên bản.

"Trung bình cúc họa mi khi trồng được khoảng 3 tháng sẽ nở hoa và kéo dài 2-3 tuần thì tàn. Nhưng với sự nghiên cứu của chúng tôi, hoa sẽ nở kéo dài 1-2 tháng và chiều cao của hoa dao động 1-1,4m", anh Chiến chia sẻ.

 SK Hoa5

Người dân có thể trực tiếp mua hoa về trồng tại nhà (Ảnh: Hoài Sơn).

Trồng cây tạo nét riêng cho bán đảo Sơn Trà

Mới đây, Trung tâm Công nghệ sinh học đã bàn giao 300 cây thàn mát giống cho Chi cục Kiểm lâm Sơn Trà. Số cây này sẽ được trồng trên đường lên bán đảo Sơn Trà với chiều dài khoảng hơn 5km (tính từ khu vực hồ Xanh lên hướng chùa Linh Ứng).

Đây là một trong những sản phẩm của đề tài Nghiên cứu quần thể các loài cây bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố do trung tâm thực hiện năm 2021-2024.

 SK Hoa6

Tiến sĩ Nguyễn Quyết và cây giống thàn mát được ươm trồng sau một năm nghiên cứu (Ảnh: Hoài Sơn).

Các kỹ sư đã nghiên cứu tài liệu 40 loài, đi thực tế rừng Sơn Trà để tìm được tám loài cây phù hợp trồng ở công viên, đường phố, từ đó nhân giống.

Sau một năm tuyển chọn, Trung tâm Công nghệ sinh học đã nhân giống được bốn loài, gồm thàn mát, găng cao, thành ngạnh và dành dành Trung bộ. Các loài cây này đều cho hoa đẹp mắt, không có độc.

Riêng cây thàn mát được chọn trồng tại đường lên Sơn Trà nhằm tạo ra con đường hoa đặc trưng đầu tiên của thành phố.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quyết, thàn mát là cây bản địa của bán đảo Sơn Trà, có thể thay thế cho các loài cây khác trồng tại công viên, đường phố, thích nghi với môi trường ở địa phương và tạo nét đặc trưng riêng cho thành phố Đà Nẵng.

Sau khoảng 5 năm, nếu chăm sóc tốt, cây có thể cao khoảng 4-5m và bắt đầu ra hoa.

Thàn mát tím, còn có tên gọi khác là mác bát, thăn mút (tên khoa học là Millettia nigrescens Gagn), thường mọc tại nhiều cánh rừng nguyên sinh trên bán đảo Sơn Trà.

 

(Theo báo Dân Trí)

 

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP