Thông tin Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được tổ chức trở lại sau 3 năm tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm người dân thành phố ven sông Hàn và khách du lịch thập phương cảm thấy nức lòng. Đã lâu lắm rồi, nhiều người không khỏi nhớ nhung, xao xuyến những màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt khi dập dìu, khi bay bổng giữa dòng sông Hàn thơ mộng trong tiết trời vừa chớm sang hè. Sự trở lại của sự kiện mang tầm quốc tế này đã khẳng định bản lĩnh vượt qua thách thức của người dân thành phố, dẫu bao muôn trùng khó khăn cũng dám đương đầu đứng lên.

Sk Phaohoa

Trong hành trình 11 năm qua, Lễ hội Pháo quốc tế DIFF đã trở thành sự kiện điểm nhấn, đưa thành phố sông Hàn trở thành tâm điểm lễ hội mỗi mùa hè. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Đà Nẵng thường được gọi với cái tên giàu hình ảnh là “thành phố đầu biển cuối sông”. Nơi đây có sông Hàn thơ mộng chảy qua theo hướng từ nam lên bắc đổ ra vịnh Đà Nẵng, chia thành hai bờ đông - tây, có đường bờ biển dài đến 92 km với những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Đà Nẵng cũng như với các tỉnh, thành khác trên dải đất hình chữ S này đều có một vẻ đẹp riêng, một thế mạnh riêng để làm nên sức hút của chính mình. Đà Nẵng không thể so sánh cùng Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, hoặc cạnh tranh với Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được ví như “Hòn ngọc Viễn Đông” bởi những công trình kiến trúc di sản quyến rũ, không khí năng động, sôi động, náo nhiệt. Kể từ khi chia tay với người anh em Quảng Nam vào đầu năm 1997, nhận thức lợi thế và bất lợi thế của mình, Đà Nẵng đã biết chọn cho mình hướng phát triển phù hợp, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, nhằm tạo dựng thương hiệu về một thành phố du lịch biển, điểm đến tổ chức của các sự kiện và lễ hội hàng đầu trong khu vực.

Là địa phương đi đầu trong việc đề xuất và tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế đối với Đà Nẵng là cả một quá trình phấn đấu để thay đổi tư duy, thay đổi cách tiến hành làm du lịch và hơn thế, tạo nên một biểu tượng riêng của một thành phố Đông Nam Á năng động, trẻ trung, đầy sức hút. Còn nhớ, để có một lễ hội pháo hoa tầm cỡ quốc tế như hiện nay, vô số các biện pháp mà lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ phải triển khai. Yếu tố quan trọng nhất trước hết là phải có ý tưởng mới. Khi có được ý tưởng, điều quyết định là năng lực tổ chức. Làm sao để có được sự đồng ý của các cơ quan quản lý về an ninh, quốc phòng? Bởi vì “pháo” dù là pháo hoa cũng là vật liệu nổ, rồi việc huy động nguồn tài chính không phải là nhỏ, rồi việc kêu gọi các nước tham gia trình diễn pháo hoa. Ngay cả việc tổ chức chấm thi cũng là lần đầu được triển khai ở Việt Nam. Rồi cả việc tổ chức cho hàng vạn du khách và nhân dân được thưởng ngoạn các màn trình diễn pháo hoa một cách an toàn cũng là việc đau đầu… Tóm lại, để có một lễ hội pháo hoa quốc tế góp phần làm nên thương hiệu “Thành phố đáng sống” phải vượt qua vô số công việc, đòi hỏi năng lực tổ chức và quản lý đặc biệt tập trung mới có thể hoàn thành. Thế nhưng bao nhiêu cái khó đã không làm chùn bước chân của những lên ý tưởng sáng tạo, làm nên bản lĩnh của một thành phố dám nghĩ, dám làm, dũng cảm đối mặt với khó khăn.

Còn nhớ cuối năm 2017, Đà Nẵng vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Tuần lễ cấp cao APEC 2017). Khi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, mọi thứ đã vào giờ G thì ngay tối hôm trước ngày diễn ra sự kiện trọng đại với sự góp mặt của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 11.000 đại biểu, thì Đà Nẵng không may hứng chịu ảnh hưởng của cơn bão Damrey (bão số 12). Diễn biến của cơn bão bất ngờ này khiến nhiều người dân thành phố lo lắng, sợ rằng bao nhiêu công sức của thành phố suốt 3 năm chuẩn bị cho APEC sẽ đứng trước nguy cơ bị phá hỏng. Thế nhưng vượt qua sự “không may” đó, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, thời gian quá gấp gáp chỉ trong một đêm, toàn thể người dân, doanh nghiệp, cán bộ, chiến sỹ của Đà Nẵng đã trắng đêm dầm mình trong mưa để làm tiếp những phần việc còn dang dở. Để rồi, khi bình minh bừng sáng, các con phố đã tươm tất, sạch sẽ chào đón Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Sự kiện tại Đà Nẵng diễn ra thành công hơn cả mong đợi, đóng góp vào thành công rực rỡ của cả nước trong Năm APEC 2017 với những kỷ lục không ngờ. Đó là những kỷ lục của APEC, nhưng có một kỷ lục tươi đẹp hơn đó là “kỷ lục” lòng dân Đà Nẵng dành cho APEC, được bạn bè quốc tế khen ngợi và đánh giá cao. Thiên tai thực sự đã làm “phép thử” lòng dân Đà Nẵng.

Năm 2020, trước áp lực dịch bệnh bùng phát, Đà Nẵng phải áp dụng nhiều đợt giãn cách xã hội toàn thành phố, hoặc các quy định hạn chế để chống dịch. Điều đó tác động lớn đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Năm 2020, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng âm. Đến năm 2022, kinh tế và các mặt hoạt động thành phố dần dần phát triển, khởi sắc, nhiều chỉ tiêu trở về mức tăng trưởng trước khi có dịch. Với mục tiêu phục hồi và phát triển các hoạt động du lịch - ngành được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế thành phố, hàng loạt các chỉ số liên quan của ngành kinh tế “mũi nhọn” này đều đạt tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Thành phố đã tổ chức hàng loạt các sự kiện nổi bật, hấp dẫn người dân và du khách như Lễ hội Kinh khí cầu; Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2022; Lễ hội Âm nhạc và kết nối cộng đồng BridegeFest 2022; Giải đua thuyền Sailing vô địch trẻ quốc gia và giải Sup các câu lạc bộ toàn quốc năm 2022; Lễ hội Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022; Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại Nhật Bản… Đây cũng được xem là một trong những “chiến lược” góp phần làm mới các sản phẩm du lịch Đà Nẵng. Sự thành công của các sự kiện góp phần giúp doanh thu của hoạt động du lịch tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2022.

Quay trở lại niềm vui của pháo hoa quốc tế, DIFF 2023 sẽ có chủ đề “Thế giới không khoảng cách”, tôn vinh sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch thế giới sau dịch bệnh và DIFF 2023 tại Đà Nẵng. Với pháo hoa rực rỡ và nhiều sự kiện sôi động khắp các điểm đến trong thành phố trong suốt thời gian diễn ra DIFF 2023, Đà Nẵng sẽ là điểm hội tụ kết nối toàn cầu, thổi bùng lên sức sống và tinh thần đoàn kết của 5 châu lục để vượt qua những khó khăn, thử thách sau đại dịch. Cũng như lời tác giả Nại Hiên trong bài viết “Bản lĩnh vượt qua khó khăn” đăng trên Báo Xuân 2023 của Báo Đà Nẵng đã đưa ra những nhận định đúng đắn: “Và lần này, lễ hội pháo hoa trở lại với những màn pháo hoa muôn sắc màu được tỏa sáng trên bầu trời Đà Nẵng, gợi lên trong chúng ta cảm xúc “mở rộng bầu trời”. Nói chính xác hơn, không chỉ mở rộng bầu trời mà chính là mở rộng lòng người, lòng bạn bè năm châu đến với Đà Nẵng. Một tâm thế, một cách sống bình thường mới, sẵn sàng đón nhận thách thức, chủ động đối phó với kẻ thù vô hình nhưng vẫn thực hiện mọi dự định trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta”.

Trong hành trình 11 năm qua, Lễ hội Pháo quốc tế DIFF đã trở thành sự kiện điểm nhấn, đưa thành phố sông Hàn trở thành tâm điểm lễ hội mỗi mùa hè. Đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa tạo nên thương hiệu riêng cho thành phố Đà Nẵng, đồng thời góp phần giúp thành phố hai lần được vinh danh “Điểm đến sự kiện - Lễ hội hàng đầu châu Á”, tạo ra một hình ảnh Đà Nẵng năng động, một thành phố của lễ hội luôn chào đón du khách suốt bốn mùa. Với sự tái xuất của DIFF 2023, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng bứt phá, đạt được những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục ở giai đoạn hậu dịch, đóng góp cho sự phục hồi chung của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) do UBND TP Đà Nẵng và Tập đoàn Sun Group tổ chức. Đây cũng là sự kiện tâm điểm của chương trình “WOW Đà Nẵng”, nằm trong chiến dịch quảng bá du lịch “WOW Việt Nam” do Sun Group khởi xướng trên toàn quốc. Theo đó, DIFF 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 3/6 - 8/7/2023 tại sân khấu pháo hoa bên sông Hàn, với sự tham gia của 8 đội pháo, gồm 7 đội quốc tế (Anh, Italy, Ba Lan, Pháp, Australia, Canada, Phần Lan) và đội đại diện Việt Nam đến từ Đà Nẵng.

 

(Theo dangbodanang.vn)

banner 300x250 1

TPL_BACKTOTOP